Đoàn công tác Sở Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh có chuyến khảo sát các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh từ ngày 21 đến 24-7. Chuyến đi được đánh giá là sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch Gia Lai, cụ thể là liên kết phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp trong việc phát triển tour, tuyến, biến các tài nguyên du lịch sẵn có của Gia Lai trở thành những điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong nước và quốc tế ở một tương lai gần.
Biến tiềm năng thành điểm đến
Theo lịch trình, ngành du lịch Gia Lai đã giới thiệu đến Sở Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh một số điểm đến để kết nối du lịch như: “Đôi mắt Pleiku” Biển Hồ; đồi chè cổ hàng trăm năm tuổi và chùa cổ Bửu Minh; núi lửa Chư Đăng Ya; nhà máy thủy điện Ia Ly… Trong chuyến đi này, đoàn còn đến khảo sát các điểm du lịch khác như: Di tích chiến thắng Đak Pơ, được đánh giá là “Điện Biên Phủ của Liên khu 5”; Di chỉ khảo cổ học Rộc Tưng, An Khê Đình, An Khê Trường (di tích Tây Sơn Thượng đạo); Di tích lịch sử tại Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang); thác Hang Dơi…
Ông Đặng Thế Dũng-Phó phòng kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Tây Nguyên Xanh (Gia Lai) cho rằng: Sự có mặt của các doanh nghiệp du lịch TP. Hồ Chí Minh lần này là cơ hội tốt giúp Gia Lai quảng bá tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch địa phương, đặc biệt là trong giai đoạn lãnh đạo tỉnh Gia Lai đang dành nhiều ưu tiên cho phát triển du lịch.
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại thác Hang Dơi, huyện Kbang. Ảnh: M.N |
“Hiện tại , công ty chúng tôi đang có kế hoạch khởi động cho chương trình này. Ngoài việc xây dựng chương trình du lịch hoàn toàn mới gửi đến khách hàng trong nước và quốc tế, chúng tôi sẽ mở tour khám phá Tây Nguyên, khai thác tuyến đường Đông Trường Sơn. Đơn cử như, về Kbang khám phá thác Hang Dơi, đến An Khê thì thăm Di tích Tây Sơn Thượng đạo. Để làm được điều này, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai, sự đồng hành, kết nối của các đơn vị lữ hành phía TP. Hồ Chí Minh để đưa du lịch tỉnh nhà phát triển”.
Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ-Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Gia Lai là một trong những tỉnh Tây Nguyên có tiềm năng du lịch rất phong phú, nhất là trên lĩnh vực du lịch sinh thái-văn hóa-lịch sử. Về du lịch văn hóa, đặc biệt là Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, có thể khai thác những sinh hoạt đời sống của người dân tộc thiểu số Bahnar, Jrai với nhiều lễ hội truyền thống.
Đoàn công tác Sở Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh tham quan An Khê trường (Di tích Tây Sơn Thượng đạo). Ảnh: M.N |
“Ngoài sự nỗ lực của các nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch thì rất cần sự phối hợp của các doanh nghiệp. Trong đoàn khảo sát của chúng tôi có 11 thành viên đến từ các doanh nghiệp lớn về lữ hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Qua khảo sát của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đưa ra những vấn đề, giải pháp mà ngành du lịch hai bên cần phải điều chỉnh để từ đó kết nối thành tour, tuyến nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch”-ông Vũ nhấn mạnh.
Những việc cần làm
Theo bà Phan Yến Ly-Trưởng phòng Điều hành khối Inbound (nội địa)-Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Lữ hành SaiGonTourist khẳng định: “Công ty chúng tôi đã từng đưa nhiều du khách quốc tế cũng như trong nước đến du lịch tại Gia Lai, đặc biệt là ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku. Trở lại Gia Lai lần này, chúng tôi được giới thiệu tham quan thêm nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác. Tôi thấy rằng Gia Lai tiếp tục có những điểm du lịch tiềm năng”.
Tuy nhiên, theo bà Ly, muốn đánh thức các điểm du lịch như: Di tích Tây Sơn Thượng đạo (An Khê); Làng kháng chiến Stơr, nhà lưu niệm Anh hùng Núp thành các điểm tham quan hấp dẫn trong vùng, trở thành sản phẩm du lịch thu hút được nhiều khách du lịch, ngành du lịch Gia Lai còn phải làm rất nhiều việc. Bước đầu là việc cải tạo đường xá đi đến các điểm tham quan; cải tạo, đầu tư các cơ sở lưu trú; nâng cao các giá trị ẩm thực mà Gia Lai vốn đã có sẵn. Ngoài ra, Gia Lai cần tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá các điểm đến, có vậy mới mở rộng các điều kiện kết nối, hợp tác, phát triển du lịch giữa 2 tỉnh Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh.
Sự duyên dáng của thiếu nữ Bahnar trong công việc giã gạo. Ảnh: M.N |
Cùng quan điểm này, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định: Gia Lai có rất nhiều điểm du lịch rất đẹp, nhiều thác nước hùng vĩ nhưng du khách trong nước chưa được biết đến. Để thu hút khách du lịch đến Gia Lai thì địa phương phải có dịch vụ hỗ trợ cho các đơn vị lữ hành để khách lưu trú, từ đó mới có cơ hội khám phá; phải có thêm dịch vụ đi kèm và điểm đến phải có tính hấp dẫn.
“Gia Lai cần làm nhiều hơn, nhất là giao thông phải tiếp cận được các điểm du lịch, tham quan; điều kiện ẩm thực phải đảm bảo phục vụ một lượng đông đảo du khách; các thiết chế văn hóa, nơi nghỉ dưỡng, môi trường, vệ sinh phải được đảm bảo. Đặc biệt, nếu chúng ta chăm chút thì những sản phẩm quà tặng được làm bởi người dân, các làng nghề hay cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được phát triển trong thời gian tới. Tôi kỳ vọng rằng những lợi thế này sẽ biến thành những điểm đến trong quá trình kết nối du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai”-ông Vũ nói.
Minh Nguyễn