Một tháng sau thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế, lượng khách đến Việt Nam tháng 12-2021 tăng 14,2% so với tháng trước. Tuy con số không tạo ra thay đổi lớn trong thống kê lượng khách đến Việt Nam, nhưng đối với ngành du lịch, việc “hé mở” cánh cửa du lịch quốc tế đã đưa đến nhiều hy vọng mới về cơ hội phục hồi.
Sôi động khách nội địa
Với phương châm thích ứng linh hoạt, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã kích hoạt lại thị trường du lịch nội địa bằng những sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn. Nhờ đó, lượng khách nội địa đã tăng trở lại, đem lại sinh khí mới cho ngành công nghiệp không khói. Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa tháng 12-2021 ước đạt hơn 5 triệu lượt, gấp đôi tháng 11 (2,5 triệu lượt) và gấp hơn 6 lần con số của tháng 10 (750.000 lượt). Khách du lịch nội địa tăng nhanh tại nhiều điểm du lịch khắp cả nước, đặc biệt là dịp cuối tuần như Khánh Hòa, Đà Lạt, Phú Quốc, Lào Cai…
Năm mới 2022, dự báo từ các hãng lữ hành rất khả quan: khách đi du lịch theo nhóm nhỏ, khách cá nhân vẫn tiếp tục tăng. Đáng chú ý, khách cũng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các gói dịch vụ cao cấp, vì nhận được mức giá ưu đãi, khuyến mãi cao. Theo Saigontourist Group, đơn vị đang có các gói ưu đãi giảm giá khoảng 50%, áp dụng cho du khách nghỉ đêm tại các khách sạn sang trọng như Rex, Grand Saigon, Majestic, Caravelle… với mức giá từ 1-3 triệu đồng/đêm (gồm ăn sáng và đưa đón miễn phí sân bay). Vietravel cũng cho hay, trong dịp xuân này, doanh nghiệp phục vụ khoảng 15.000 lượt khách. Ngoài các tour trọn gói, khách cũng rất quan tâm đến các gói dịch vụ riêng lẻ (gồm vé xe, máy bay và phòng khách sạn), khởi hành ở cự ly gần, từ TPHCM đến các tỉnh lân cận trong thời gian 3-5 ngày. Tương tự, Công ty Du lịch Thế hệ Trẻ đang có các sản phẩm du xuân đến các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Đông Bắc, Tây Bắc, phục vụ nhóm khách gia đình, khách cá nhân…
Về doanh nghiệp chuyên tổ chức tour tham quan, đáng ghi nhận là việc đầu tư nghiên cứu, làm mới các sản phẩm du lịch. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist, cho biết, không chỉ có các dòng tour trải nghiệm, tour cao cấp tiêu chuẩn từ 5 sao trở lên, doanh nghiệp đang triển khai các sản phẩm tour kích cầu du lịch, đồng hành quảng bá tour tuyến cùng ngành du lịch TPHCM. Ví dụ như tour “Cánh đồng bất tận” khởi hành từ TPHCM đi Mộc Hóa - Long An; tour về Cần Đước khám phá xứ Chợ Đào; tour khám phá TP Thủ Đức bằng buýt đường sông… “Các tour này được du khách đánh giá cao, hứa hẹn tạo sức bật cho du lịch TPHCM nói riêng, ngành du lịch Việt Nam nói chung”, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.
Du khách TPHCM tham quan thành phố bằng xe buýt 2 tầng. Ảnh: Thi Hồng |
Kỳ vọng khách quốc tế
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế đã mở ra bước ngoặt mới cho ngành du lịch. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đón khách từ nhiều thị trường như Hàn Quốc, Dubai (UAE), Singapore, Malaysia, Uzbekistan, Nga… Sự kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở, bởi vì sau thời gian ngắn mở cửa trở lại, tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Khánh Hòa đã đón 1.500 khách quốc tế, riêng tháng 12-2021 đã có 3.000 khách đến Việt Nam. Đây là tín hiệu vui, gửi đi thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn, hiếu khách và sẵn sàng chào đón du khách đến tham quan, du lịch. Điều này cũng là sự khích lệ rất lớn đối với ngành du lịch sau 19 tháng không đón được vị khách quốc tế nào.
Với hàng loạt chính sách linh hoạt trong chống dịch và phát triển kinh tế, dự báo từ đầu năm nay, khách du lịch có hộ chiếu vaccine đến Việt Nam tiếp tục tăng lên. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho biết, đã có sự chuẩn bị kỹ càng đón khách trở lại. Dự báo, từ tháng 1 đến tháng 3-2022, khách quốc tế, chủ yếu là Việt kiều về nước khá nhiều sau thời gian 2 năm bị gián đoạn bởi dịch bệnh. Chính vì thế, Vietravel đã mở cửa trở lại 4 văn phòng ở Mỹ, Pháp, Australia, Thái Lan, sắp tới là Singapore, để kiều bào đến đăng ký. Nếu Chính phủ cho mở đường bay thương mại như dự tính vào tháng 1-2022 thì lượng khách về sẽ rất đông.
Theo nhận định của lãnh đạo ngành du lịch, năm nay, ngành công nghiệp không khói sẽ có nhiều thời cơ lẫn thách thức. Trong bối cảnh đó, du lịch nội địa tiếp tục là hướng khai thác chủ đạo của Việt Nam. Toàn ngành ưu tiên đảm bảo an toàn cho du khách và người dân, song song với triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi du lịch nội địa và quốc tế. Tổng cục Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm nay ngành du lịch cả nước sẽ đón khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”. Tổng thu từ du lịch trong năm dự kiến khoảng 400.000 tỷ đồng. “Nhiều doanh nghiệp đã phục hồi hoạt động, trong đó có những doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng để phục hồi và phát triển ngành du lịch trong thời gian tới. Theo thống kê sơ bộ, 35% doanh nghiệp làm nhiệm vụ phát triển du lịch đã đứng vững, 15% đang trên đà phục hồi. Hy vọng đây là những cánh chim đầu đàn sẽ vươn ra biển lớn, tiếp tục đào tạo đội ngũ nhân lực nòng cốt, đưa ra các gói du lịch phù hợp với điều kiện, nhu cầu và thị hiếu để thu hút du khách”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
TPHCM bước vào giai đoạn 3 phục hồi du lịch Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, năm nay thành phố bước vào giai đoạn 3 của quá trình phục hồi du lịch. Ngành du lịch tiếp tục tập trung khôi phục các hoạt động và sản phẩm du lịch, kết nối liên vùng, từng bước đón khách quốc tế trở lại song song với đáp ứng điều kiện an toàn phòng chống dịch Covid-19. Hiện TPHCM đang giới thiệu đến người dân, du khách nhiều tuyến điểm du lịch được làm mới (đi bằng du thuyền, cano, buýt đường sông…), xuất phát từ trung tâm TPHCM đến các quận huyện và TP Thủ Đức. Ngành du lịch TPHCM tin rằng các sản phẩm sẽ có sức lan tỏa theo cách riêng, ghi dấu ấn trong lòng du khách. |
MAI AN - THI HỒNG (SGGPO)