Thời sự - Bình luận

Du lịch văn minh, đẩy lùi 'ô nhiễm trắng'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để giảm thiểu rác thải nhựa, từ 1.9 tới, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) lên phương án ngăn chặn rác ngay từ đầu nguồn.

Theo đó, người dân, du khách, chủ tàu… thực hiện “du lịch văn minh”; thí điểm quy định không mang đồ nhựa, túi ni lông, chất thải nguy hại ra đảo. Đây là một trong những giải pháp mà chính quyền huyện đảo Cô Tô đang triển khai, với mục tiêu trở thành huyện đảo không rác thải nhựa.

Nhắc đến Cô Tô, nhiều năm trở lại đây hòn đảo này đang trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy vậy, với hàng nghìn lượt khách mỗi ngày đã khiến huyện đảo xinh đẹp phải gồng gánh hàng chục tấn rác thải sinh hoạt, đặc biệt là túi ni lông, chai nhựa.

Điều đáng nói, những chai nước ngọt, túi ni lông ấy chủ yếu là do du khách mang từ đất liền ra.

Ngay cả Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cũng đang là nạn nhân của rác thải nhựa - “ô nhiễm trắng”. Thời điểm năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19, kỳ quan này phải gánh hàng trăm tấn rác nhựa mỗi năm.

Để thu gom và xử lý được số lượng rác kể trên, chính quyền đã phải chi đến gần 14 tỉ đồng.

Từ năm 2020 do dịch Covid-19, lượng khách đến ít, nguồn thu giảm mạnh đã khiến Ban Quản lý vịnh Hạ Long phải tạm dừng kinh phí thu gom. Vì thế mà lượng rác nhựa thải hằng ngày cứ tích tụ rồi trôi nổi vật vờ trên mặt biển.

Theo số liệu thống kê từ Bộ TN-MT, mỗi năm tại VN có khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn bị đẩy ra biển. Chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% được chôn, lấp, đốt và chỉ 10% còn lại là được tái chế.

Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, nhằm thực hiện cam kết của VN với quốc tế về giải quyết các vấn đề rác thải nhựa đại dương. Theo đó, đến năm 2030 VN sẽ giảm 75% lượng rác thải nhựa trên biển; 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Hành động của huyện đảo Cô Tô cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của địa phương trong việc bảo vệ môi trường đại dương. Trước Cô Tô, đã có nhiều nơi thực hiện “nói không với rác thải nhựa” như Cù lao Chàm (Quảng Nam) từ hơn 10 năm nay, hay gần đây có khu du lịch Cồn Sơn (Cần Thơ)...

Tuy vậy, để các điểm đến du lịch không đơn độc trong cuộc chiến với vấn nạn “ô nhiễm trắng”, bên cạnh sự chung tay của người dân địa phương và du khách, rất cần sự vào cuộc của cả ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ… để đưa nhiều hơn các sản phẩm thân thiện môi trường thay cho đồ nhựa sử dụng một lần với giá thành phù hợp. Khi đó, cùng với ý thức của người dân, du khách, “ô nhiễm trắng” không chỉ bị đẩy lùi ở điểm du lịch, trên đại dương mà cả trong môi trường sống hằng ngày.

Theo LÃ NGHĨA HIẾU (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm