Thời sự - Sự kiện

Dữ liệu thống kê: Cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Số liệu thống kê có tác động quan trọng đến định hướng phát triển của tỉnh. Việc đưa ra số liệu thống kê đúng, đầy đủ là cơ sở để tỉnh đánh giá đúng hiện trạng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội một cách hiệu quả.

Ông Trần Quang Minh-Cục trưởng Cục Thống kế tỉnh-cho biết: Năm 2023, Cục Thống kê tiến hành 23 cuộc điều tra để thu thập thông tin, cung cấp số liệu đầu vào để Tổng cục Thống kê tính toán ước tổng sản phẩm (GRDP) định kỳ trên địa bàn tỉnh. “Để nâng cao chất lượng trong việc cung cấp số liệu đầu vào, phục vụ Tổng cục Thống kê tính toán ước GRDP trên địa bàn tỉnh, ngày 28-9-2022, Cục Thống kê và các sở, ngành thuộc tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp về công tác và trao đổi thông tin. Cục Thống kê đã cung cấp toàn bộ biểu mẫu cho các sở, ban, ngành của tỉnh để phối hợp cung cấp số liệu đầu vào, nhất là các dự án mà ngành quản lý”-ông Minh cho hay.

Gia Lai thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nhờ xác định chính xác các trụ cột phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ảnh: H.D

Gia Lai thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nhờ xác định chính xác các trụ cột phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ảnh: H.D

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh: “Mặc dù đã ký kết quy chế phối hợp, song nhiều sở, ngành chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này, các cuộc họp thường chỉ giao cho chuyên viên dự nên hiệu quả đem lại chưa như mong muốn. Khi tổ chức tập huấn các cuộc điều tra thống kê, Cục Thống kê đều mời các sở, ngành liên quan nhưng rất ít đơn vị tham dự. Bên cạnh đó, công tác phối hợp thời gian qua chưa phát huy hiệu quả khi gần như các sở, ban, ngành của tỉnh không cung cấp cho Cục Thống kê về các dự án mà ngành quản lý. Bởi vậy, nhiều số liệu về kinh tế-xã hội của tỉnh chưa được cập nhật kịp thời, chính xác”.

Theo thông báo của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh ước tính 9 tháng năm 2023 đạt 2,84%, đứng thứ 5 khu vực Tây Nguyên, đứng thứ 51 cả nước; trong đó, khu vực nông-lâm-thủy sản tăng 4,28%; khu vực công nghiệp-xây dựng giảm 1,42% (công nghiệp giảm 2,56%); khu vực dịch vụ tăng 4,98%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 2,8%. Dự ước cả năm lần 1, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 5,36%, trong đó, khu vực nông-lâm-thủy sản tăng 4,5%; khu vực công nghiệp-xây dựng giảm 6,21% (công nghiệp tăng 7,02%); khu vực dịch vụ tăng 5,62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 2,81%.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế, việc rà soát các số liệu đầu vào để tính toán GRDP được tỉnh rất quan tâm vì tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh cơ bản ổn định, tiếp tục đà tăng trưởng tốt nhưng số liệu 9 tháng của Tổng cục Thống kê thì có sự giảm sút rất mạnh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh cũng như tâm lý của cán bộ, người dân. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn tồn tại 2 dãy số liệu do Tổng cục Thống kê công bố và số liệu được tổng hợp tính toán từ các ngành, địa phương phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Vì vậy, vẫn còn một số bất cập trong công tác điều tra tính toán số liệu và cung cấp số liệu đầu vào cho Tổng cục Thống kê.

Công tác thống kê tạo cơ sở để tỉnh đánh giá, phân tích đúng hiện trạng, tạo tiền đề để đưa ra chính sách phát triển kinh tế-xã hội một cách hiệu quả. Ảnh: Hà Duy

Công tác thống kê tạo cơ sở để tỉnh đánh giá, phân tích đúng hiện trạng, tạo tiền đề để đưa ra chính sách phát triển kinh tế-xã hội một cách hiệu quả. Ảnh: Hà Duy

Liên quan đến số liệu thống kê trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Sở đã chỉ đạo phòng nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, cung cấp thông tin, số liệu của ngành với Chi cục Thống kê. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số số liệu chưa thống nhất, thậm chí chênh nhau rất nhiều, ví dụ như diện tích cây điều toàn tỉnh đang chênh lệch đến khoảng 30.000 ha (diện tích thực tế khoảng 55.000 ha, nhưng số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ khoảng 25.000 ha); hay diện tích cây cao su năm 2022 là hơn 82.900 nhưng số liệu của Tổng cục thấp hơn nhiều. Sự chênh lệch số liệu sẽ ảnh hưởng đến công tác hoạch định kế hoạch phát triển của ngành”.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa thì cho rằng: Tổng cục Thống kê chưa hướng dẫn thống nhất cho các tỉnh, thành phố về cách tính các chỉ tiêu như tính tỷ lệ phần trăm đóng góp của kinh tế số địa phương vào GRDP cấp tỉnh; chưa có hướng dẫn thống nhất về biểu mẫu báo cáo thống kê và thực hiện thu thập thông tin thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; cần có quy định thống nhất thời gian báo cáo thống kê vì hiện nay, tỉnh quy định các ngành báo cáo gửi về tỉnh trước ngày 15 hàng tháng, tỉnh gửi bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 hàng tháng. Tuy nhiên, số liệu ước tính của Cục Thống kê báo cáo tổng hợp gửi UBND tỉnh vào ngày 25 hàng tháng nên chưa kịp thời phục vụ cho công tác đánh giá và chỉ đạo của tỉnh.

Số liệu thống kê có tác động quan trọng đến định hướng dài hạn cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Bởi vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đề nghị: “Gia Lai cần có số liệu thống kê đầy đủ số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; các sở, ngành rà soát các số liệu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành để phối hợp, cung cấp thông tin bổ sung cho Cục Thống kê. Cục Thống kê cũng nên chủ động kết nối với các sở, ngành, địa phương để thu thập thông tin, xây dựng báo cáo số liệu tin cậy, thống nhất. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng nên chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp chính xác thông tin đầu vào cho các cơ quan ở địa phương”.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế khẳng định: “Chúng tôi rất tôn trọng số liệu thống kê và xem đây là một ngành khoa học. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành trong việc thống nhất, phối hợp trong cung cấp số liệu thống kê cho Cục Thống kê tỉnh để đảm bảo cung cấp số liệu chính thống, đúng thực tế của tỉnh”.

Có thể bạn quan tâm