Cùng với cả nước, ngành GD-ĐT Gia Lai cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu, góp ý cho dự thảo trên. Theo ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, những năm qua, công tác thi chọn HSG cấp quốc gia đã được triển khai, tổ chức đúng quy chế; tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện Đề án trường THPT chuyên, hướng tới thực hiện mục tiêu giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, Quy chế thi chọn HSG quốc gia hàng năm cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định tặng giấy khen cho các học sinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt bồi dưỡng đội tuyển HSG tham gia kỳ thi chọn HSG quốc gia THPT năm học 2022-2023. Ảnh: M.T |
Chẳng hạn, việc tổ chức thi thí nghiệm, thực hành các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học trong kỳ thi chọn HSG quốc gia còn bất cập, điểm thi thực hành thấp dẫn đến thí sinh nhiều địa phương ít quan tâm đến phần thi này. Việc dạy và học thực hành của các môn ở các địa phương còn rất hạn chế. Ngoài ra, trước đây, khi phân bảng A và B để xét giải, nhiều địa phương đạt thành tích HSG thấp, thậm chí có đơn vị “trắng” giải, gây ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, giáo viên và học sinh. Thêm vào đó, nước ta vẫn chưa có cơ chế, kinh phí để tạo ra sự gắn kết trách nhiệm chuyên môn của các chuyên gia khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học…
Theo ông Nguyễn Văn Long, Bộ GD-ĐT đã chỉnh sửa để thống nhất cách hiểu và đảm bảo tính thực tế, khả thi của một số nội dung quy định tại Quy chế thi về số lượng thí sinh của các đội tuyển của các đơn vị; về công tác ra đề thi, chấm thi; về tiêu chuẩn, điều kiện các thành viên tham gia Hội đồng coi thi kỳ thi chọn đội tuyển HSG... Tỷ lệ giải của kỳ thi chọn HSG cấp quốc gia cũng tăng từ 50% lên 60% so với quy định hiện hành. Cụ thể, tổng số giải từ khuyến khích trở lên không vượt quá 60% số thí sinh dự thi; trong đó, số giải nhất, nhì, ba không vượt quá 60% tổng số giải; số giải nhất không vượt quá 5% tổng số giải. Điều này giúp các đơn vị dự thi từng có thành tích khiêm tốn có cơ hội gia tăng số lượng giải HSG quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra quy định không tổ chức buổi thi thực hành trong kỳ thi chọn HSG quốc gia nhưng yêu cầu thí sinh tham dự kỳ thi chọn HSG quốc gia phải có điểm bài thi thực hành trong kỳ thi chọn đội tuyển của địa phương; đồng thời, đề thi các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học của kỳ thi chọn HSG quốc gia phải có nội dung yêu cầu thí sinh giải quyết bằng kiến thức liên quan đến kỹ năng thí nghiệm, thực hành. Dự thảo cũng đề cập đến việc áp dụng thi trực tuyến môn Tin học trong kỳ thi chọn HSG quốc gia hàng năm và đề cao vai trò của giáo viên các trường THPT chuyên khi huy động đội ngũ này ra đề thi đề xuất và tham gia soạn thảo, phản biện, thẩm định đề thi tại Hội đồng ra đề thi.
“Ngành GD-ĐT Gia Lai cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo quy chế và những điểm mới mà Bộ GD-ĐT xây dựng. Không chỉ điều chỉnh một số nội dung, áp dụng một số giải pháp kỹ thuật để khắc phục những bất cập, hạn chế trước đây, quy chế lần này còn góp phần tạo động lực, cơ chế để các trường THPT liên quan phát triển tốt phong trào giáo dục mũi nhọn cũng như thu hút, khuyến khích học sinh tham dự kỳ thi”-ông Long cho biết.
Một buổi ôn tập, bồi dưỡng của đội tuyển dự thi HSG quốc gia. Ảnh: Mộc Trà |
Trường THPT chuyên Hùng Vương-đơn vị chủ lực của tỉnh trong đào tạo, bồi dưỡng đội tuyển HSG cũng dành sự quan tâm nhất định đến dự thảo quy chế này. Hiệu trưởng Lê Thị Thu cho hay: Nhà trường rất ủng hộ những điểm mới mà Bộ GD-ĐT đưa ra tại dự thảo quy chế. Trong đó, đáng chú ý là số lượng thành viên mỗi đội tuyển và tỷ lệ giải có sự tăng lên. Hiện nay, tổng số học sinh của Gia Lai tham gia 9 đội tuyển HSG là 58 em (mỗi đội 6 em, riêng 2 môn Ngữ văn và Sinh học có 8 em/đội tuyển) thì theo quy chế mới, số lượng thành viên mỗi đội tuyển tối đa là 10 (trừ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tối đa 20 em/đội tuyển). Điều này sẽ giảm bớt áp lực cho tỉnh về số lượng dự thi từng năm của mỗi đội tuyển và giúp nhiều học sinh có cơ hội được chọn vào đội tuyển tham dự kỳ thi HSG quốc gia.
Mặt khác, khi tỷ lệ giải được nâng lên 60% thay vì 50% như quy định hiện hành sẽ đáp ứng nhu cầu của thí sinh tham gia dự thi, bởi lẽ, phổ điểm chênh lệch giữa học sinh đạt và không đạt giải đôi khi rất thấp. Ngoài ra, dự thảo quy chế cũng đề cập đến việc cấp giấy chứng nhận cho học sinh tham gia kỳ thi chọn HSG cấp quốc gia. Quy định này khá phù hợp, góp phần động viên, khích lệ các em; đồng thời là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng xem xét khi tuyển sinh đầu vào đối với thí sinh có dự thi. Tất cả những đổi mới trên sẽ góp phần tạo động lực, khuyến khích các em tìm đến với “sân chơi” HSG cấp quốc gia nhiều hơn.
Cô Thu cũng cho rằng, việc huy động giáo viên các trường THPT chuyên tham gia soạn thảo, phản biện, thẩm định đề thi tại Hội đồng ra đề thi (không hạn chế như trước đây) cũng sẽ tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên của nhà trường được cọ xát, rèn luyện, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế.
Với những thay đổi tích cực, nhiều người kỳ vọng, dự thảo về Quy chế thi chọn HSG quốc gia sẽ sớm được bổ sung, hoàn chỉnh, ban hành nhằm hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, hiệu quả và chất lượng.