Thời sự - Bình luận

Khóc - cười, đỗ - trượt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Gần 1.600 học sinh dự thi lớp 10 năm học 2024-2025 của tỉnh Thái Bình bị sai điểm vì một lỗi hết sức ngớ ngẩn là Hội đồng chấm thi Sở GD&ĐT Thái Bình thực hiện sai quy trình hồi phách bài thi tự luận.

Theo đó, điểm chuẩn mới (điểm chuẩn được cập nhật lại sau khi được thực hiện hồi phách chuẩn) xét tuyển đợt 1, tại Hội đồng tuyển sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình, có 15 thí sinh từ trượt thành đỗ; 15 thí sinh từ đỗ thành trượt. Điểm chuẩn mới tại hội đồng tuyển sinh các trường THPT công lập có 237 thí sinh từ trượt thành đỗ; 243 thí sinh từ đỗ thành trượt. “Khóc” là cụm từ thể hiện đúng nhất trạng thái của những em học sinh bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu có một không hai trong lịch sử khoa cử của tỉnh Thái Bình từ trước đến nay. Những em đã được công bố đỗ chuẩn bị vào năm học mới bỗng trở thành trượt không thể không khóc. Những em trượt thành đỗ đã khóc từ khi kết quả thi được thông báo lần đầu. Khóc vì phía trước các em không biết sẽ phải đối diện với bao nhiêu câu hỏi của bạn bè đồng trang lứa. Những em đang đỗ bỗng nhiên thành trượt vì bao nhiêu hồ nghi mà chính bản thân các em cũng không thể trả lời. Phía trước rất có thể là một khoảng tối thăm thẳm bởi những lời bàn tán xung quanh bủa vây, nó sẽ nuốt một phần ánh sáng trong tâm hồn non nớt tuổi trăng tròn. Sự tắc trách sai trái của người lớn khiến học sinh phải gánh chịu. Tuổi 14-15, các em đang từng bước trải nghiệm bài học khắc nghiệt của cuộc sống về lòng tin, lòng tự trọng.

Nghe những lời kết luận của Thanh tra tỉnh Thái Bình về sai sót trong việc hồi phách bài thi tự luận của Hội đồng chấm thi Sở GD&ĐT Thái Bình không khỏi phẫn uất về sự tắc trách của chính những người thầy, cô đang đứng lớp hoặc từng đứng lớp để giảng dạy học trò. Sự tắc trách của họ là đang coi thường những hy vọng, cố gắng của chính học sinh, thế hệ trẻ mà họ đang giảng dạy. Chưa vội bàn việc có hay không tiêu cực thi cử, nhìn bề nổi của sự việc đã có thể thấy, những thầy, cô như vậy không đủ tâm và tầm để đứng trên bục giảng. Kì thi vào lớp 10 luôn là kì thi khốc liệt đối với mỗi học sinh ở các địa phương hiện nay. Thế nhưng chỉ bằng những hành động đơn giản, vô ý đến mức vô lí, những người cầm cân nảy mực trong cuộc thi đã tước đoạt quyền được học, được biết điểm thi đúng năng lực của học sinh để rồi, các em trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ, dở khóc, dở cười.

Phía trước những nhà giáo đảm nhận công việc hồi phách không chỉ là hàng vạn con mắt săm soi từ dư luận xã hội mà họ còn phải đối diện với chính các em học sinh, phụ huynh. “Nét chữ nết người”, bài học vỡ lòng của mỗi đứa trẻ khi bước vào môi trường giáo dục được các thầy cô cầm tay uốn từng nét chữ với hy vọng hình thành nên nếp nghĩ cẩn thận, chỉn chu. Nhưng bài học đó, những người thầy người cô kia đã quên. Quy chế chấm thi vốn không có mắt nên không sai, chỉ có con người tự cho mình quyền làm sai quy chế. Sự cắn rứt lương tâm sẽ là “bản án” đắt giá nhất mà những nhà giáo này sẽ phải chịu suốt thời gian còn lại của cuộc đời.

Theo Nghiêm Huê (TPO)

Có thể bạn quan tâm