Kinh tế

Doanh nghiệp

Đua cùng tỷ phú, bầu Đức lên kế hoạch kiếm tiền từ chăn nuôi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong mắt nhiều đại gia, lĩnh vực chăn nuôi đang là “miếng bánh béo bở” và sẵn sàng “mở hầu bao” để đầu tư vào lĩnh vực này. Bầu Đức, Chủ tịch CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) có lẽ cũng không phải ngoại lệ.
"Miếng bánh béo bở" từ chăn nuôi
Nói về lĩnh vực chăn nuôi, một thống kê gần đây cho thấy, tiêu thụ thịt ở Việt Nam đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, với mức tiêu thụ hàng năm trên đầu người tăng từ 33kg trong năm 2009 lên tới hơn 40kg vào năm 2019. Điều này xuất phát từ sự tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ, cũng như tăng trưởng dân số, làm nhu cầu về thịt gia súc sẽ ngày càng tăng mạnh, dự kiến đến năm 2023.
Trong đó, tiêu thụ thịt lợn dự kiến sẽ tiếp tục chiếm lượng tỷ trọng lớn trong bữa ăn của mỗi gia đình Việt Nam với khoảng 60-70%.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng tiêu thụ của gia cầm và bò thời gian tới sẽ cao hơn bởi 2 loại thịt này còn rất nhiều tiềm năng.
Cũng phải nói thêm rằng, trong những tháng đầu năm 2020 vừa qua, không ít doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đạt lợi nhuận khủng. Thậm chí có đơn vị chỉ sau 5 tháng đã vượt kế hoạch kinh doanh năm tới gần 30%.
Chính vì vậy mà những năm gần đây, thị trường thịt cũng như thức ăn chăn nuôi nhận được sự quan tâm rất lớn, trong đó có 3 tỷ phú USD của Việt Nam là ông Nguyễn Đăng Quang (Masan), Trần Đình Long (Hòa Phát) và Trần Bá Dương (Thaco).
 
Trang trại chăn nuôi bò Úc của Hòa Phát
Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long là một điển hình thành công khi "tay ngang" sang nuôi bò, nuôi heo... Theo ước tính, doanh thu từ lĩnh vực này sẽ đóng góp tới 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.200 tỷ đồng, lớn thứ 2 sau mảng thép của Tập đoàn này trong năm 2020.
Mục tiêu của Hòa Phát trong thời gian tới sẽ đạt tối đa công suất 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm; 450.000 đầu heo thương phẩm/năm; 150.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm. Riêng về nuôi bò, Hòa Phát cho biết hiện đơn vị này chiếm thị phần lớn nhất về cung cấp bò Úc với 50% thị phần.
Tại buổi gặp gỡ với nhà đầu tư, Chủ tịch Trần Đình Long thừa nhận, "2 con bò nhập khẩu từ Úc thì chúng tôi có 1 con, 5 tuổi bước chân vào ngành bò, làm cẩn thận và vững chắc, trứng gà hiện nay cũng đang số 1 Việt Nam mỗi ngày tiêu thụ 400.000 quả".
Hay như Masan chỉ "sau một đêm" trở thành công ty thức ăn chăn nuôi lớn thứ 2 thị trường khi mua lại cùng lúc 2 công ty top đầu là Proconco và ANCO để hình thành nên Masan Nutri-Science – hiện được đổi tên thành Masan MeatLife. Theo đánh giá của Masan, ngành thịt Việt có giá trị lên đến 10 tỷ USD và chưa có người dẫn đầu và đây là cơ hội lớn cho Masan chiếm lĩnh thị phần.
Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương cũng không ngại đầu tư chiến lược vào Hùng Vương (HVG) với kỳ vọng hưởng lợi từ "miếng bánh" hàng chục tỷ USD này.
Thâu tóm CTCP Chăn nuôi Gia Lai, Bầu Đức muốn đua cùng tỷ phú?
Có thể thấy, trong mắt nhiều đại gia lĩnh vực chăn nuôi đang là "miếng bánh béo bở" và sẵn sàng "mở hầu bao" để đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - vị Chủ tịch của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) có lẽ cũng không phải ngoại lệ khi muốn thâu tóm CTCP Chăn nuôi Gia Lai.
Cụ thể, theo tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) diễn ra vào ngày 26/6 tới đây, Hội đồng quản trị HAG dự kiến trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT được phép thực hiện rà soát số liệu các khoản cho vay và các khoản phải thu CTCP Chăn nuôi Gia Lai. Đồng thời tiến hành chuyển đổi thành vốn góp cổ phần của HAG vào công ty chăn nuôi này.
Theo HAG do bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức) làm Chủ tịch HĐQT, việc chuyển đổi các khoản cho vay và các khoản phải thu thành cổ phần nhằm tái cấu trúc tài chính CTCP Chăn nuôi Gia Lai theo hướng tăng vốn, giảm nợ, giảm áp lực chi phí lãi vay. Và hơn nữa, chuyển từ trạng thái thua lỗ sang thời gian có lãi trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, Tập đoàn của bầu Đức sẽ mua lại cổ phần Chăn nuôi Gia Lai thành công ty con để tham gia điều hành, tái cấu trúc bộ máy quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Được biết, CTCP Chăn nuôi Gia Lai thành lập năm 2014 với ngành nghề chính là chăn nuôi trâu, bò (bò thịt và bò sữa).
Tại thời điểm 31/3/2020, HAG của bầu Đức ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là CTCP Chăn nuôi Gia Lai (bán hàng hóa) là hơn 17 tỷ đồng; phải thu về cho vay ngắn hạn 1.253 tỷ đồng và hơn 4.163 tỷ đồng cho vay dài hạn.
Các khoản phải thu khác bao gồm lãi cho vay 26 tỷ đồng; cho mượn tạm 9,8 tỷ đồng và 2,6 tỷ đồng tiền chi trả hộ cho CTCP Chăn nuôi Gia Lai. Ngoài ra, còn khoản phải thu dài hạn khác (lãi cho vay) lên tới 564 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh tổng thể, HAG của bầu Đức đặt mục tiêu doanh thu thuần hơn 5.000 tỷ đồng, gấp 2,4 lần kết quả năm 2019. HAG dự kiến lỗ ròng hơn 300 tỷ đồng trong năm 2020. 
Huyền Anh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm