(GLO)- Ông Đặng Văn Chinh- Chủ tịch UBND xã Ia Sol, huyện Phú Thiện cho biết: Lúa nước và mía là hai cây trồng chủ lực của xã với 1.258 ha lúa nước hai vụ và 1.060 ha mía. Nhưng tình trạng thiếu nước sản xuất vụ đông xuân, đất canh tác ngày càng bạc màu dẫn đến chi phí đầu tư ngày càng tăng nên hiệu quả kinh tế mang lại từ việc trồng lúa nước hai vụ ngày càng thấp.
Vì vậy, năm 2009 xã đã chuyển đổi giống cây trồng trên một số diện tích lúa hai vụ năng suất thấp, cụ thể là đưa cây khoai lang Nhật Bản và đậu đỗ các loại vào trồng thay lúa nước vụ Đông Xuân. Cũng theo ông Chinh, sau khi chuyển đổi sang mô hình trồng khoai lang và đậu đỗ, đất ruộng trở nên màu mỡ hơn, giảm được chi phí đầu tư cho lúa vụ mùa nhờ hạn chế được sâu bệnh trên cây lúa và lượng phân bón cho lúa cũng giảm rất nhiều trong khi năng suất lại tăng.
Ảnh: Quang Tấn |
Theo đó, thay vì trồng hai vụ lúa như trước đây (lúa vụ mùa và đông xuân) thì nay tăng lên thành ba vụ gồm: lúa vụ mùa, khoai lang Nhật Bản và đậu đỗ các loại thay cho vụ Đông Xuân. Qua 4 năm thực hiện mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế tương đối cao.
Đặc biệt, năm nay xã đã ký được hợp đồng với nhà thu mua bao tiêu trọn gói với giá tối thiểu là 6.000 đồng/kg và cho nông dân vay vốn mua giống, phân bón đến khi thu hoạch sẽ hoàn trả (mỗi ha sẽ được vay 17 triệu đồng). Nhờ vậy, diện tích trồng khoai lang Nhật Bản trên địa bàn xã tăng từ 15 ha năm 2011 lên hơn 30 ha vào thời điểm này.
Bà Phạm Thị Phượng-thôn Thắng Lợi 3 là một trong những người đi đầu trong việc đưa khoai lang Nhật Bản vào trồng trên diện tích lúa hai vụ của mình cho biết: Nhìn thấy hiệu quả kinh tế cây lúa nước mang lại không cao, nên năm 2009 tôi đã mạnh dạn đưa khoai lang Nhật Bản vào trồng thử trên 5 sào đất ruộng cho năng suất thấp. Đến nay, tôi đã chuyển đổi trên toàn bộ 1,5 ha đất ruộng hai vụ của mình sang trồng khoai lang và đậu đỗ các loại. Với 1,5 ha đất trồng lúa hai vụ, lợi nhuận tối đa khoảng 60 triệu đồng/năm, trong khi trồng khoai lang Nhật Bản vụ Đông Xuân gia đình cũng thu được trên 60 triệu đồng.
Cụ thể, năm 2011 với 1,5 ha thu được trên 20 tấn củ với giá bán dao động từ 6.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 58 triệu đồng, gia đình lãi trên 60 triệu đồng. Bà Phượng còn cho biết thêm, sau khi thu hoạch xong khoai lang, bà làm đất trồng thêm đậu đỗ các loại cũng mang lại cho gia đình hơn 25 triệu đồng lợi nhuận trước khi trồng lúa vụ mùa. Tính tổng cộng mỗi năm gia đình thu về trên 120 triệu đồng trên 1,5 ha đất ruộng của gia đình.
Trước tình hình giá lúa năm nay diễn biến theo chiều giảm mạnh (chỉ dao động khoảng 5.000 đồng/kg lúa khô, năm 2011 là 6.000 đồng/kg) nên sau khi trừ chi phí đầu tư thì nông dân không còn lời bao nhiêu. Nên việc nhân rộng mô hình trồng cây khoai lang Nhật Bản trên diện tích lúa đông xuân sẽ là một hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần cải thiện đời sống của người dân trong xã.
Quang Tấn