Điểm đến Gia Lai

Đức Cơ: Phát triển cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để từng bước xây dựng nhãn hiệu trái cây của địa phương, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đang triển khai mô hình vườn cây ăn quả đạt chuẩn VietGAP và tạo ra sản phẩm OCOP kết hợp du lịch sinh thái.         

 

Những năm gần đây, phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, người dân trên địa bàn huyện Đức Cơ đã chuyển đổi diện tích hồ tiêu chết, cao su, cà phê già cỗi sang trồng các loại cây ăn quả như: sầu riêng, bơ, mít, chuối... Hiện toàn huyện có khoảng 400 ha cây ăn quả các loại. Để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả, huyện đang triển khai 2 mô hình vườn cây ăn quả sinh thái đạt chuẩn VietGAP và tạo ra sản phẩm OCOP kết hợp với việc cải tạo vườn phục vụ tham quan, phát triển du lịch sinh thái. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ các hộ chi phí tu sửa, cải tạo vườn, chứng nhận vườn sản xuất cây ăn quả đạt chuẩn VietGAP, chứng nhận sản phẩm OCOP. Tổng kinh phí thực hiện 2 mô hình khoảng 300 triệu đồng, trong đó hộ dân tham gia mô hình đối ứng 30-50%.  

 Vườn mít Thái của ông Hoàng Văn Tuấn (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ). Ảnh: L.N
Vườn mít Thái của ông Hoàng Văn Tuấn (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ). Ảnh: L.N



Là hộ tham gia mô hình, ông Hoàng Văn Tuấn (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla) cho biết: “Trước đây, tôi trồng cao su. Khi cây cao su già cỗi cần tái canh thì giá lại xuống thấp nên tôi đã chuyển qua trồng mít Thái, na Thái, bơ, sầu riêng, chôm chôm trên diện tích hơn 12 ha”. Cũng theo ông Tuấn, mỗi héc ta cây ăn quả đầu tư hết khoảng 100 triệu đồng tiền giống, phân bón, cải tạo đất, công chăm sóc... Đến nay, 3,6 ha mít Thái bắt đầu cho thu bói, bán được khoảng 150 triệu đồng. Trước đây, ông chưa biết để vườn cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP thì phải làm như thế nào. Do đo, khi huyện triển khai mô hình này, gia đình đã đăng ký tham gia. “Hy vọng cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn để tôi hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chứng nhận VietGAP cho sản phẩm mít Thái và phát triển du lịch sinh thái. Với mô hình này, khách tham quan, du lịch vừa thưởng thức trái cây sạch tại vườn, vừa mua về làm quà hoặc liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định hơn. Sau thành công từ mô hình này, tôi sẽ tiếp tục làm thủ tục chứng nhận VietGAP thêm với sản phẩm sầu riêng, na Thái, bơ, chôm chôm của gia đình”-ông Tuấn chia sẻ.

Tương tự, ông Cao Xuân Hưng (làng Nú, xã Ia Nan) cho hay, gia đình ông có 3,5 ha đất trồng 500 cây sầu riêng từ năm 2016. Vừa rồi, ông thu bói được hơn 1 tấn quả, bán với giá 60-70 ngàn đồng/kg. Xác định phải tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nên trước khi trồng, ông đều xử lý, khử trùng đất kỹ lưỡng, chọn lựa giống sạch, chất lượng tốt và sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. “Giờ vườn của gia đình được huyện chọn để triển khai mô hình vườn cây ăn quả sinh thái đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm công nhận OCOP cấp huyện nên chúng tôi rất mừng. Hy vọng khi sản phẩm có thương hiệu sẽ giúp gia đình tôi nói riêng, người dân trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện nói chung có cơ hội giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ và thu hút khách du lịch”-ông Hưng kỳ vọng.

Ông Hoàng Văn Tuấn-thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla giới thiệu mô hình trồng mít thái
Ông Hoàng Văn Tuấn (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) giới thiệu mô hình trồng mít thái. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: Hiện nay, phần lớn diện tích cây ăn quả trên địa bàn là trồng xen, chỉ có một số ít hộ dân trồng thuần. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả còn mang tính tự phát, diện tích nhỏ lẻ, manh mún. Ngoài ra, một số vườn cây chưa được quan tâm chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, trình độ canh tác của người dân còn hạn chế nên năng suất đạt thấp, mẫu mã sản phẩm chưa đạt yêu cầu. Sản phẩm trái cây của huyện cũng chưa có sự liên kết trong tiêu thụ mà chủ yếu bán qua thương lái nhỏ lẻ.

Cũng theo ông Tư, trước thực tế trên, thực hiện Chương trình số 30-CTr/HU của Huyện ủy Đức Cơ, Phòng Nông nghiệp và PTNT đang triển khai 2 mô hình vườn cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký sản phẩm OCOP năm 2020, kết hợp phục vụ tham quan, phát triển du lịch sinh thái. “Đây là hướng đi mới trong phát triển ổn định cây ăn quả trên địa bàn huyện. Do đó, chúng tôi chọn các hộ có vườn cây ăn quả đã cho thu hoạch, có diện tích tối thiểu 3 ha, đa dạng chủng loại để triển khai. Đặc biệt, các vườn cây này phải có không gian đẹp để hướng đến phát triển du lịch. Trước mắt, huyện sẽ tập trung hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình chứng nhận VietGAP, xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận sản phẩm OCOP, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách tham quan, du lịch đến huyện”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ cho biết thêm.

 

 LÊ NAM



 

Có thể bạn quan tâm