Tổng cục Du lịch vừa có văn bản gửi các sở quản lý du lịch các tỉnh, thành về việc chấn chỉnh những hoạt động lệch lạc diễn ra gần đây trong khi thực hiện chương trình du lịch kích cầu.
Theo đó, chương trình "Người Việt Nam du lịch Việt Nam" do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phát động trong thời gian vừa qua đã nhận được sự hưởng ứng của các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch trên cả nước. Chương trình bước đầu đã mang lại hiệu quả, thu hút nhiều khách du lịch nội địa, từng bước phục hồi hoạt động du lịch tại các địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng tổ chức tour không đúng như cam kết với khách hàng; chưa bảo đảm chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch như hạng sao được công nhận; thu hút khách bằng việc giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ, làm giảm giá trị chương trình du lịch và ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của du khách...
Lâu nay, chuyện làm ăn chụp giựt theo lề thói "ăn xổi ở thì" đã từng tồn tại dai dẳng trong hoạt động du lịch ở nước ta. Ở rất nhiều điểm dịch vụ tại các địa phương có cảnh quan nhếch nhác, bán hàng ăn uống, sản phẩm cho du khách với giá "trên trời". Không ít người làm dịch vụ có lối nghĩ rằng đằng nào cũng đã mang tiếng "chặt chém", khách thường chỉ đến một lần, bị "chặt chém" rồi không quay lại cũng chẳng sao, vẫn có khách khác đến thế chỗ (!?). Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành du lịch nước nhà, tỉ lệ du khách đến Việt Nam rồi "một đi không trở lại" vào loại khá cao...
Trước thực trạng đó, ngành du lịch Việt Nam và các địa phương đã rất nỗ lực để khắc phục, tạo dựng hình ảnh mới nhằm thu hút du khách trở lại Việt Nam và đã có những kết quả đáng khích lệ. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Việt Nam còn nhận được nhiều giải thưởng du lịch toàn cầu như: "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới", "Điểm đến hàng đầu châu Á" (2 năm liên tiếp), "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á"... Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở vị trí 63/140 nền kinh tế.
Năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế thì đại dịch Covid-19 xảy ra, du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề. Khi bước sang trạng thái "bình thường mới", chúng ta khởi động kích cầu du lịch nội địa để vực dậy ngành du lịch thì xảy ra tình trạng đáng tiếc nêu trên. Những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ kém chất lượng đã vì cái lợi nhỏ nhặt của mình mà làm ảnh hưởng lợi ích cộng đồng, khu vực và cả lợi ích quốc gia. Trong hoạt động du lịch, doanh thu có được là quan trọng, song cái cần thiết và bền vững hơn nữa chính là sự yêu mến cảnh quan, con người Việt Nam, niềm tin của du khách đối với hoạt động du lịch Việt Nam. Có thiện cảm đó, khách nội địa đi du lịch nhiều hơn, khách quốc tế trở lại Việt Nam nhiều hơn.
Phải vực dậy ngành công nghiệp không khói sau đại dịch Covid-19 để góp phần tăng trưởng kinh tế của đất nước. Cần có các giải pháp nghiêm khắc hơn, không để tái diễn cung cách làm ăn chụp giựt, làm xấu đi môi trường du lịch đang được cả nước nỗ lực tạo dựng.
Theo HOÀNG HOA (NLĐO)