Thời sự - Bình luận

Đừng để người dân phải "tự xử" bọn trộm chó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây 3 ngày, người dân làng Tơr Bang (xã Ia Bang, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã vây bắt được 2 đối tượng trộm chó rồi đưa về nhà sinh hoạt cộng đồng của làng. Tại đây, 2 đối tượng đã bị nhiều người đánh đập. Hậu quả, 1 đối tượng chết, đối tượng còn lại bị gãy tay phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Nhà sinh hoạt cộng đồng của làng Tơ Rơ Bang nơi xảy ra án mạng vì trộm chó. Ảnh: Văn Ngọc
Nhà sinh hoạt cộng đồng của làng Tơ Rơ Bang nơi xảy ra án mạng vì trộm chó. Ảnh: Văn Ngọc
Khi đọc những dòng tin này trên mặt báo, tôi cố thử hình dung xem điều gì đã xảy ra tại ngôi làng Tơr Bang trước đó. Có lẽ, người dân làng này từng nhiều lần mất trộm chó nhưng chưa bắt được thủ phạm. Và không chỉ mất chó, mất con vật nuôi yêu quý, gắn bó, họ còn nhiều lần bị quấy rầy giấc ngủ bởi tiếng xe máy chói tai của kẻ trộm giữa đêm khuya. Nỗi bức xúc trong họ cứ tích tụ dần qua ngày tháng, để rồi trút hết vào những nắm đấm, những cú đá khi bắt được bọn trộm chó. Không ai trong số họ nghĩ đến việc phải báo Công an hay đưa 2 đối tượng trộm chó này đến giao nộp cho cơ quan Công an, điều mà pháp luật đã quy định rõ và chắc nhiều người cũng biết. Thay vào đó, họ chọn cách “tự xử”, “tự thực thi công lý”, không lường đến hậu quả.
Những sự việc như ở làng Tơr Bang không là cá biệt, cũng không phải giờ mới xảy ra. Trong thực tế, những vụ đánh chết đối tượng trộm chó, đốt xe, thậm chí đốt xác kẻ trộm đã xảy ra từ lâu, ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Đó đều là những trận đòn hội đồng khi đám đông bức xúc tự mình “thực thi công lý”. Nhiều người trong số họ sau đó đã phải vào tù vì tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” hay “Giết người”. Nhưng dường như những bản án đó không đủ khiến nhiều người tỉnh ngộ để chọn cách hành xử khác khi đối diện với bọn trộm chó. Đám đông cuồng nộ vẫn đánh, thậm chí đánh chết đối tượng trộm chó mỗi khi bắt được, như thể đó là quyền của họ, như thể họ không còn sự lựa chọn nào khác.
Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, cách hành xử vô pháp vô thiên, cuồng nộ đến mất hết lý trí của đám đông như những vụ đánh chết đối tượng trộm chó là không thể chấp nhận. Nhưng điều gì cũng có căn nguyên của nó và không thể chỉ đổ hết lỗi lên đầu người dân là xong. Trong trường hợp này, chúng ta cần phải hiểu tại sao người dân lại bức xúc, lên án bọn trộm chó đến vậy. Đây là câu hỏi không khó trả lời nếu nhìn vào sự lộng hành của loại tội phạm này trên khắp cả nước suốt những năm qua. Chúng không còn lén lút mà ngang nhiên hoạt động mọi lúc, mọi nơi, dùng đủ thủ đoạn từ đánh bả đến kích điện, bắn thuốc mê để trộm chó, con vật mà nhiều người hết mực yêu thương, thậm chí xem như một thành viên trong gia đình. Khi bị người dân phát hiện, vây bắt, nhiều đối tượng trộm chó đã không ngần ngại sử dụng hung khí tấn công lại. Không ít người đã bị thương tích, thiệt mạng chỉ vì đơn thân chống lại bọn trộm chó.
Sự lộng hành của bọn trộm chó, dĩ nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có lực lượng Công an, không thể không biết. Nhưng việc đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này dường như chưa được quan tâm đúng mức và cũng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn của người dân. Vì vậy, tội phạm trộm chó vẫn ngang nhiên hoạt động khắp nơi. Chó nuôi của người dân vẫn ngày ngày đối diện với nguy cơ bị bắt trộm. Tình trạng này khiến một bộ phận người dân suy giảm lòng tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật. Và khi không thể trông chờ vào các cơ quan này, họ buộc phải tự mình “thực thi công lý” bằng những cách hết sức tiêu cực, không được pháp luật cho phép như đã xảy ra.   
Mỗi vụ án mạng liên quan đến đối tượng trộm chó luôn để lại rất nhiều nỗi đau, mất mát với những người liên quan và gia đình họ. Để những sự việc đau lòng tương tự không tiếp tục xảy ra, trước tiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp mạnh để ngăn chặn hiệu quả hoạt động của tội phạm trộm chó, củng cố niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật. Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ hình thành thói quen hành xử đúng pháp luật.
 LÊ HÀ

Có thể bạn quan tâm