Thời sự - Bình luận

Đừng để trả giá đắt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát, "hung thần" Covid-19 đang quay trở lại, thế nhưng tinh thần cảnh giác của một bộ phận người dân đã bắt đầu lơi lỏng. Có lẽ nhiều người vội quên chúng ta đã trả giá đắt như thế nào trước dịch bệnh.

Ngay trong cuộc họp HĐND TP HCM vào ngày 6-7, cơ quan này đã nhấn mạnh nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại vẫn luôn thường trực, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của chủng Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam. Mục tiêu trong thời gian tới là phải kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Trước đó mấy ngày, Bộ Y tế cũng ra thông báo biến thể phụ BA.5của Omicron vừa xâm nhập Việt Nam được cho là lây lan nhanh hơn, có thể gây bệnh ở người từng nhiễm các biến thể Omicron trước đó. Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin với biến thể Omicron có thể giảm nhưng vẫn có hiệu lực, vẫn tốt. Người dân cần tiêm vắc-xin mũi 3 và 4.

Ngay trong sáng 7-7, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo số ca Covid-19 tiếp tục tăng ở 4 khu vực: Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á, châu Âu, Tây Thái Bình Dương. Hơn phân nửa số ca Covid-19 thế giới là BA.5 Omicron. Đã có thêm 4,6 triệu ca Covid-19 được ghi nhận trên toàn thế giới trong tuần vừa qua và tăng gần 30% chỉ trong 2 tuần.

Những cảnh báo trên rất đáng lo ngại vì có đầy đủ bằng chứng khoa học của các tổ chức y tế hàng đầu thế giới, đòi hỏi các quốc gia phải tổ chức những phương án chống dịch cấp thời và lâu dài. Các phương án chống dịch dù ở Việt Nam hay tầm quốc tế có mang lại hiệu quả như mong muốn hay không thì điều kiện tiên quyết là phải có sự hợp tác và tuân thủ triệt để hướng dẫn của cơ quan y tế từ người dân. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm chứ không phải loại bệnh khu trú ở từng cá nhân. Dù số đông người cảnh giác nhưng số ít người chủ quan mắc bệnh đều có thể làm lây lan, vô hiệu hóa các kế hoạch phòng vệ.

Chúng ta cũng dễ hiểu tâm trạng chủ quan hiện nay xuất phát từ kết quả rất đáng khích lệ của công tác chống dịch trong thời gian qua. Nhưng cũng đừng quên rằng để có được kết quả đó, cả nước phải huy động mọi nguồn lực để chiến đấu trong hơn 2 năm dài. Nỗ lực như thế nhưng chúng ta cũng phải trả giá rất đắt với tổn thất hàng chục ngàn sinh mạng, kinh tế thiệt hại trầm trọng cần có thời gian dài để hồi phục. Đến bây giờ, còn phải chi hàng trăm ngàn tỉ đồng để hỗ trợ người dân trở lại sản xuất. Viễn cảnh dịch bệnh quay trở lại sẽ ám ảnh bất cứ ai và sức chịu đựng của người dân, của nền kinh tế không phải là vô hạn. Những thiệt hại của dịch bệnh là không thể đo đếm được nên cũng không thể chấp nhận bất cứ trường hợp nào xem thường sức khỏe của người khác mà từ chối các phương án phòng ngừa dịch bệnh được các cơ quan hữu trách đưa ra.

Đeo khẩu trang, tiêm ngừa miễn phí, cảnh giác phòng bệnh... là những biện pháp vô cùng đơn giản và không tốn kém cả tiền của, thời gian thì vì cớ gì từ chối? Cần có biện pháp mạnh mẽ, hợp lý để triển khai bằng được các biện pháp phòng ngừa để bảo toàn kết quả chống dịch đã đạt được và bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân trong thời gian tới.

Theo HIẾU NGHI (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm