Đừng để việc thông báo tuyển dụng công chức là hình thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đừng để việc thông báo tuyển dụng công chức là hình thức ảnh 1
 
Theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ- Công chức và các văn bản hướng dẫn về tuyển dụng cán bộ, công chức thì muốn trở thành công chức ngoài việc phải có đủ các tiêu chuẩn do pháp luật quy định như: Trình độ chuyên môn, sức khỏe, lý lịch... thì còn phải trải qua quá trình xét tuyển hoặc thi tuyển do Hội đồng thi tuyển, xét tuyển công chức tiến hành.
Thường thì việc tuyển dụng công chức được tổ chức theo định kỳ hàng năm, một số ngành, địa phương vài ba năm mới tổ chức một lần. Do vậy, mà sau khi có chỉ tiêu biên chế được phân bổ các cơ quan nhà nước được phép tiếp nhận người lao động vào làm việc hợp đồng thử việc tại cơ quan mình nhằm đáp ứng yêu cầu công tác. Mặt khác, đây là nguồn tuyển dụng chính thức cho việc tuyển dụng về sau, việc làm này là cần thiết và hợp lý. Theo quy định thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng công chức phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, có thể là toàn quốc.
Tuy nhiên, việc thông báo tuyển dụng công chức ở nhiều cơ quan nhà nước chỉ là hình thức, còn thực chất thì đâu đã vào đấy- tức là sau khi đã tiếp nhận được người rồi mới thông báo cho đầy đủ thủ tục mà thôi. Nhiều ngành, địa phương khống chế thành phần, đối tượng được tham gia xét tuyển, thi tuyển là những đối tượng đã hợp đồng làm việc tại các đơn vị cần tuyển dụng từ trước, chứ không tiếp nhận những người mới ra trường. Tất nhiên việc tuyển dụng một cách “khép kín” như vậy rất dễ phát sinh tiêu cực, chạy chọt và “không bình thường”... Đồng thời, việc tuyển dụng theo kiểu này sẽ có rất nhiều sinh viên khá, giỏi khi ra trường không có cơ hội trở thành công chức nhà nước vì không có cơ hội thử sức mình một cách công bằng, khách quan thông qua thi tuyển.
Bạn tôi tốt nghiệp đại học loại khá, sau khi ra trường nộp hồ sơ mãi cũng không có cơ quan nào nhận, nếu có nhận thì không có hồi âm. Có lần đọc báo thấy có cơ quan nhà nước thông báo tuyển dụng công chức, đối chiếu tiêu chuẩn anh thấy đều đạt và có phần “dư”. Vội vã làm hồ sơ, những loại giấy tờ nào quá hạn như giấy chứng nhận sức khỏe, lý lịch bản thân... thì khẩn trương hoàn tất. Hai ngày sau anh cầm hồ sơ đúng theo yêu cầu đến cơ quan có thông báo trên tivi để xin được nộp hồ sơ sơ tuyển theo như nội dung thông báo. Tuy nhiên, anh được trả lời là đơn vị đã nhận đủ hồ sơ theo quy định, không nhận thêm nữa. Qua một số lần như vậy, không tin tưởng vào việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nữa và cũng từ đó anh không đến xin việc ở cơ quan nhà nước nữa, nay anh đang làm việc cho một công ty tư nhân.
Có thể thấy việc giao cho các đơn vị tự quyết định việc tiếp nhận hồ sơ, rồi lập danh sách gửi đến cơ quan có thẩm quyền để lập danh sách thi tuyển, xét tuyển trong phạm vi danh sách của các đơn vị chuyển đến ở một số ngành, địa phương hiện nay là bất hợp lý, không khách quan, công bằng và vi phạm quyền có việc làm phù hợp với khả năng, trình độ của công dân theo pháp luật quy định.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền nên ban hành quy định yêu cầu tất cả các ngành, địa phương khi cần tuyển dụng công chức phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời hồ sơ phải tập trung vào một đầu mối, như Sở Nội vụ- đối với các biên chế địa phương quản lý hoặc cấp bộ, ngành ở Trung ương và phải tiếp nhận tất cả các hồ sơ đủ điều kiện.
Có như vậy mới làm cho việc thi tuyển, xét tuyển được tiến hành một cách công khai, công bằng, khách quan để cho tất cả học sinh, sinh viên nghèo có đủ trình độ, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu công tác sau khi tốt nghiệp đều có cơ hội trở thành công chức. Ngoài ra, tránh tình trạng lãng phí chất xám và trọng dụng được người tài, đức góp phần đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phạm Văn Chung

Có thể bạn quan tâm