Xã hội

Gia đình

Đừng nghĩ 'vợ mình, mình có quyền dạy'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vợ chồng đầu gối tay ấp, nhiều người tự cho mình quyền được "vung tay, vung chân" với vợ mà quên mất rằng hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, phải bồi thường, thậm chí còn có nguy cơ... vào tù.
TAND tỉnh Quảng Ngãi vừa đưa ra xét xử phúc thẩm một vụ kiện khá hi hữu: nguyên đơn là chị Phan Thị Thu V. (31 tuổi, ngụ tại huyện Đức Phổ), kiện chồng là anh Trần Văn T. (42 tuổi) ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
TAND tỉnh Quảng Ngãi vừa đưa ra xét xử phúc thẩm một vụ kiện khá hi hữu: nguyên đơn là chị Phan Thị Thu V. (31 tuổi, ngụ tại huyện Đức Phổ), kiện chồng là anh Trần Văn T. (42 tuổi) ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Kiện chồng vì bị đánh gãy sống mũi
Chị V. và anh T. là vợ chồng hợp pháp. Trong thời gian chung sống, hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn nên chị V. dẫn con về nhà mẹ ruột ở. Ngày 7-5-2019, chị về nhà chồng lấy đồ cho con thì bị anh T. đánh gãy sống mũi, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả giám định cho thấy chị V. bị tổn hại 9% sức khỏe.
Bực tức ông chồng, ngày 18-6-2019, chị V. khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường tiền viện phí, thu nhập thực tế bị mất khi nằm viện, tổn thất tinh thần, tiền thẩm mỹ mũi... tổng cộng 54,8 triệu đồng. Quá trình giải quyết vụ án, chị V. tự nguyện rút yêu cầu bồi thường tiền thẩm mỹ mũi 20 triệu đồng. Do anh T. đã bồi thường trước đó 10 triệu đồng nên chị V. chỉ yêu cầu anh bồi thường thêm số tiền 19,8 triệu đồng.
Tại các phiên tòa, anh T. đều thừa nhận đã dùng tay đánh vợ gây thương tích 9%. Tuy nhiên, anh chỉ đồng ý bồi thường một số khoản như tiền viện phí, tiền xe đi lại... Riêng khoản bồi thường tổn thất tinh thần cho vợ 20 triệu đồng, anh không đồng ý.
Tháng 8-2019, TAND huyện Đức Phổ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên buộc anh T. phải bồi thường cho chị V. tổng cộng 29,8 triệu như yêu cầu của nguyên đơn. Cho rằng phán quyết này của tòa là bất hợp lý, anh T. kháng cáo không đồng ý bồi thường khoản tiền tổn thất tinh thần 20 triệu đồng vì cho rằng số tiền đó quá cao.
"Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét hoàn cảnh khó khăn của tôi. Vợ tôi bỏ đi 4 tháng nay nên tôi không đi làm nghề biển được. Tôi phải nuôi hai con nhỏ, trong đó có một đứa bị bệnh hiểm nghèo phải đi chữa bệnh thường xuyên, bản thân tôi phải nuôi mẹ già 85 tuổi. Việc tôi đánh vợ cũng một phần do chị V. có thái độ không chuẩn mực khi nói chuyện với tôi" - anh T. viết trong đơn kháng cáo và yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết giảm tiền bồi thường.
Theo tòa cấp phúc thẩm, tại các phiên tòa anh T. đều thừa nhận đã dùng tay đánh vợ dẫn đến gãy sống mũi. Việc đánh người khác phải bồi thường là đúng quy định của pháp luật. Các lý do anh T. nêu trong đơn kháng cáo không phải là căn cứ để xem xét giảm mức bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.
Nhận định hành vi dùng tay đánh gãy sống mũi gây tổn thất tinh thần cho chị V., ảnh hưởng đến thẩm mỹ gương mặt của người phụ nữ, tòa án cấp phúc thẩm đã bác kháng cáo của anh T., giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngoài mức bồi thường 29,8 triệu đồng cho vợ thì anh T. còn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm hơn 1 triệu đồng.
Vừa bồi thường cho vợ, vừa phải... đi tù
Trên thực tế, những câu chuyện bạo hành gia đình nêu trên đã không còn là cá biệt. Tháng 9-2019, một người đàn ông ngụ tại quận Bình Tân (TP.HCM) đã bị xử phạt hành chính vì... đánh vợ gãy sống mũi.
Vừa bị chồng đánh phải nằm viện vừa không được quan tâm hỏi han, ra viện về nhà lại bị chồng nhắn tin chì chiết, chị T.M. (31 tuổi) đã quyết định làm đơn gửi Công an quận Bình Tân tố cáo hành vi vũ phu của người chồng. Kết quả giám định cho thấy chị M. chỉ bị tổn hại 9% sức khỏe nên cơ quan điều tra không khởi tố bị can đối với chồng chị M. về hành vi cố ý gây thương tích. Sau đó, cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính đối với chồng chị M. về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên trong gia đình.
Mới đây, TAND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cũng tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Linh (33 tuổi, ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu) 3 tháng tù về tội "cố ý gây thương tích". Nạn nhân trong vụ án là chị Trần Thị Tuyết Mai (vợ của Linh). Sống với nhau 10 năm, có hai con chung nhưng chỉ vì nghi ngờ vợ có người khác, Linh đã xô vợ xuống hồ bơi, nhấn đầu vợ xuống nước nhiều lần, đánh đập vợ... khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.
Không thể chịu nổi hành vi vũ phu của chồng, chị Mai đã làm đơn gửi cơ quan điều tra yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ngày 21-11-2019, TAND huyện Tân Châu tuyên phạt Phạm Chí Linh 3 tháng tù, đồng thời tuyên buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ chi phí khám, điều trị bệnh, khoản tiền mất thu nhập và tiền tổn thất tinh thần chị Mai là hơn 64 triệu đồng.
Khi vợ hết nhẫn nhịn được...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Hùng (hội thẩm nhân dân tại TP Hà Nội) cho biết pháp luật quy định dù là vợ chồng, nam nữ đều bình đẳng trước pháp luật. Hiện nay, nhiều người chồng nghĩ mình có quyền đánh vợ. Đa số phụ nữ thường nhẫn nhịn chứ nếu làm căng thì người chồng rất dễ bị xử lý hình sự và việc phải bồi thường là điều không thể tránh khỏi.
"Ngoài tổn thất về sức khỏe thì người chồng còn phải bồi thường tổn thất tinh thần cho vợ. Điều 590 Bộ luật dân sự quy định mức bồi thường về tinh thần do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức đối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định" - ông Hùng cho biết.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - cho biết: "Thực tế tư vấn tôi thấy nhiều trường hợp bị đánh thường xuyên, không chịu đựng được mới đi tố cáo hành vi của người chồng. Họ đến hội phụ nữ xin tư vấn, tôi hướng dẫn nên làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Họ đồng ý, về suy nghĩ rồi cuối cùng lại im lặng chịu đựng. Đến khi không chịu được nữa lại đi tư vấn, lại khóc lóc... 
Đó là vòng luẩn quẩn không lối thoát của nhiều phụ nữ hiện nay. Việc chịu đựng bạo hành gia đình không những là ích kỷ với bản thân mình mà còn ích kỷ với con cái. Đứa trẻ lớn lên phải chứng kiến cảnh cha mẹ đánh nhau sẽ bị ám ảnh thời gian dài, từ đó hình thành tính cách hung hăng, nóng giận...
Vì vậy, mỗi người nên nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong gia đình cũng như tìm hiểu các kiến thức để tự bảo vệ mình trước vấn nạn bạo hành hiện nay.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cảnh báo: Trước giờ, có nhiều người nghĩ "đánh vợ sẽ không vi phạm pháp luật", "vợ mình, mình có quyền dạy"... Vì vậy, nhiều người ngang nhiên bạo hành gia đình, đánh vợ trong thời gian dài. Xin cảnh báo rằng hành vi đánh vợ (kể cả đánh chồng hay con ruột) đều có thể bị xử lý hình sự như đánh người khác.
Cụ thể, nếu gây thương tích chưa tới 11% sẽ bị xử lý về tội "hành hạ người khác", còn gây thương tích từ 11% trở lên sẽ bị xử lý về tội "cố ý gây thương tích".
Theo TÂM LỤA (TTO)

Có thể bạn quan tâm