Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đang lấy ý kiến theo hướng tăng mức đóng BHYT hộ gia đình. Tăng mức đóng là việc tất yếu để nguồn quỹ này ngày càng phát huy tác dụng nhưng vấn đề là quyền lợi của người đóng cũng phải tương ứng.
Nguyên tắc của quỹ BHYT chính là thu bao nhiêu sẽ chi hết bấy nhiêu sau khi trừ đi chi phí quản lý, dự phòng và các khoản chi hợp pháp khác. Trái với các nguồn quỹ khác, BHYT tích lũy càng ít thì quyền lợi của người đóng càng cao. Việt Nam hiện có 91% người dân đóng BHYT, là một trong những quốc gia có độ bao phủ BHYT hàng đầu của thế giới. Khó khăn lớn nhất là thu nhập của số đông người dân còn thấp nên mức đóng cũng thấp theo, vì vậy khó đòi hỏi nhận được sự chăm sóc y tế hoàn hảo. Oái ăm hơn nữa là thu nhập thấp thì việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng không cao, dự phòng bệnh tật không chu đáo và từ đây chi phí y tế thường rất lớn, khi gặp bệnh nan y thì dễ rơi vào nghịch cảnh.
Vì vậy, tăng mức đóng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, muốn đạt được mục đích chăm sóc sức khỏe tối đa có thể thì phải kiện toàn sự vận hành của nguồn quỹ này.
Vấn đề trước tiên là ngăn chặn bằng được tình trạng trục lợi nguồn quỹ, vốn là vấn đề gây bức xúc cả một thời gian dài. Nó vốn thiên hình vạn trạng mà điển hình gần đây nhất là việc một số lãnh đạo khoa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam lập hồ sơ khống bòn rút hơn 1 tỉ đồng từ quỹ BHYT. Đầu năm 2021, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố 3 người. Một kiểu trục lợi khác tinh vi hơn là dù bệnh thông thường nhưng được chỉ định xét nghiệm, khám với thiết bị giá cao nằm trong danh mục thanh toán BHYT. Nguồn thu từ các bệnh nhân này rơi vào các lĩnh vực được xã hội hóa. Nhà đầu tư hưởng lợi nhưng người bệnh không có ích lợi gì.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, đến cuối năm 2021 có đến cả ngàn doanh nghiệp còn nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp lên đến 27.300 tỉ đồng. Bởi BHYT buộc thu chung với BHXH nên hàng vạn lao động bị nợ BHXH cũng đồng nghĩa mất quyền lợi BHYT. Nỗi khốn khổ này kéo dài nhiều năm rồi mà chúng ta chưa có cách giải quyết thấu đáo. Rất ít doanh nghiệp bị khởi kiện vì nợ BHXH. Mà có kiện cũng khó đòi được nợ. Có đòi được nợ cũng khó hồi tố bồi hoàn được chi phí y tế theo diện được hưởng mà người lao động đã chi trong thời gian bị nợ. Ngoài ra, người được khám chữa bệnh diện BHYT ở nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn chưa được đối xử công bằng như những loại hình khám chữa bệnh khác.
BHYT về mặt cơ chế là nguồn quỹ tương trợ: người khỏe đóng cho người bệnh, lúc khỏe mạnh đóng cho lúc ốm đau. Còn về mặt xã hội thì người đóng BHYT là người bệnh "sang trọng". Họ trả chi phí y tế trước khi có nhu cầu, sẵn sàng đóng cho người khác khi mình chưa cần, tạo quỹ dự phòng cho các trường hợp ngặt nghèo... Họ phải được đối xử sòng phẳng, từ cơ quan quản lý đến cơ sở khám chữa bệnh và cả những người xây dựng luật.
Theo Hồ Phi (NLĐO)