Đừng quay lưng với người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người sử dụng lao động phải có tinh thần cầu thị, lắng nghe và giải đáp thỏa đáng nguyện vọng chính đáng của người lao động.



Sau Tết, tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động phổ thông tại các doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ diễn ra khá phổ biến. Ngoài một số DN có nhu cầu tuyển dụng thực sự khi mở rộng sản xuất - kinh doanh, rất nhiều DN tuyển lao động để bù đắp cho số đã nghỉ việc sau Tết. "Lý do công nhân (CN) thay đổi nơi làm việc xuất phát từ việc muốn tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn với chế độ tiền lương, đãi ngộ cao hơn. Nếu DN làm ăn chụp giật, chắc chắn CN sẽ tẩy chay và việc thiếu hụt lao động là điều khó tránh khỏi" - anh Lê Văn Nghi, CN một DN ở KCN Sóng Thần II (tỉnh Bình Dương), chia sẻ.

 

 Hành xử có trách nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp nhận được sự tôn trọng từ người lao động (Ảnh chỉ có minh họa)
Hành xử có trách nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp nhận được sự tôn trọng từ người lao động (Ảnh chỉ có minh họa)



Vắt chanh bỏ vỏ

Là CN có tay nghề và là một quản lý chuyền có tiếng nên anh Nghi được khá nhiều DN săn đón. Kinh nghiệm làm việc ở 3 DN khác nhau tại TP HCM và Bình Dương đã giúp anh Nghi nắm rõ các "chiêu trò" trong việc tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động (NSDLĐ), từ đó có ứng xử phù hợp.

Nghi kể cách đây 2 năm, nghe tiếng anh, giám đốc một DN đánh tiếng mời về làm quản lý với mức lương khá cao. Thời gian đầu, mọi thỏa thuận về lương, thưởng được DN thực hiện đúng cam kết, song càng về sau thì mọi việc diễn ra hoàn toàn trái ngược. Dù nội dung hợp đồng lao động (HĐLĐ) quy định rõ trách nhiệm của anh là quản lý kỹ thuật, song giám đốc công ty lại buộc anh Nghi phải đảm trách việc bao tiêu luôn sản lượng của cả dây chuyền sản xuất. Nếu không đạt sản lượng, toàn bộ CN dưới quyền anh Nghi phải làm thêm mà không có một đồng thù lao; riêng anh Nghi cũng bị trừ lương với lý do chưa hoàn thành trách nhiệm. Ức chế vì DN vi phạm thỏa thuận trong HĐLĐ, anh Nghi buộc phải xin nghỉ việc. "Cái sai trước hết thuộc về DN khi ép tôi làm những công việc không có trong HĐLĐ. Rõ ràng DN đã nuốt lời và tôi chỉ có sự lựa chọn duy nhất là xin nghỉ việc" - anh Nghi bày tỏ.

Được mời về làm giám đốc marketing ở một DN chuyên kinh doanh xe máy có tiếng tại TP HCM, đầu năm 2018, anh Hoàng Minh Việt rất háo hức bởi đây là công việc anh yêu thích, chưa kể chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Với năng lực quản lý tốt, Việt giúp công ty đạt doanh số cao và được vinh danh là nhân viên của năm. Thế nhưng, chỉ vì những lời góp ý cho tổng giám đốc về nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của một đồng nghiệp trong quá trình lái thử xe, anh Việt lập tức bị "cô lập". Đầu tiên là việc bị điều chuyển xuống bộ phận kỹ thuật, dù anh Việt không hiểu gì về máy móc. Đem bức xúc lên gặp tổng giám đốc thì anh Việt được giải thích là công ty muốn "thử thách" anh ở môi trường mới. Khi anh Việt chất vấn vì sao công ty thay đổi bộ phận làm việc mà không thông qua thỏa thuận, lập tức lãnh đạo công ty tuyên bố nếu không thích làm thì cứ việc nộp đơn xin nghỉ. Kiểu hành xử vắt chanh bỏ vỏ này của lãnh đạo DN khiến anh Việt bức xúc và lập tức xin nghỉ việc chỉ sau 1 năm gắn bó.

Hành xử trách nhiệm

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Hansae Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc; KCN Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP HCM), cho rằng việc xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hiểu biết và san sẻ lẫn nhau nên là mục tiêu mà người quản lý DN cần hướng đến. "Quan hệ lao động được điều chỉnh trên cơ sở luật pháp và các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ. Chỉ cần một bên làm trái thỏa thuận hoặc hành xử theo kiểu áp đặt, bất chấp thì quan hệ lao động rất khó hàn gắn" - ông Hùng phân tích.

Nhắc lại vụ tranh chấp lao động khi còn là tổng giám đốc một công ty chuyên may thú nhồi bông xuất khẩu ở quận Thủ Đức, TP HCM, ông Chu Lâm vẫn còn thấm thía. Thời hoàng kim, công ty chăm lo tốt cho CN với chế độ tiền lương, đãi ngộ khá cao. Khi gặp khó khăn, công ty liên tục nợ lương, nợ BHXH khiến tập thể CN bức xúc. Thay vì nói rõ tình hình DN để tập thể CN hiểu và chia sẻ, ông Lâm lại ra lệnh cho thuộc cấp âm thầm chuyển máy móc đi nơi khác hòng né tránh trách nhiệm với NLĐ. Bức xúc với cách hành xử của giám đốc, tập thể CN đã kiện ra tòa. Tại tòa, khi nghe tuyên phần thắng thuộc về CN, ông Lâm tỏ vẻ ăn năn và gửi lời xin lỗi đến những người đã từng đồng cam cộng khổ với mình. Ngày đến nhận tiền lương và các chế độ khác, khi giáp mặt ông Lâm, nhiều CN không thèm hỏi thăm. Giải quyết chế độ cho CN tại công ty cũ không lâu, ông Lâm tìm mọi cách gầy dựng lại DN nhưng bất thành do mất uy tín. "Tự ta phá bỏ tất cả bằng cách hành xử thiếu trách nhiệm với NLĐ, rõ ràng đây chính là bài học nhớ đời với bản thân tôi" - ông Lâm chua chát.

 


Gắn kết bằng thiện chí

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, va chạm trong quan hệ lao động là điều khó tránh khỏi, do vậy NSDLĐ lẫn NLĐ phải có cách ứng xử phù hợp. Đặc biệt, NSDLĐ phải biết lắng nghe và hành xử có trách nhiệm với NLĐ, chẳng hạn như thực hiện đúng các thỏa thuận đã cam kết. "Thượng tôn pháp luật và gắn kết trách nhiệm với NLĐ sẽ có lợi về lâu dài cho NSDLĐ. Bên cạnh đó, NSDLĐ cũng phải biết san sẻ khó khăn với NLĐ, có như vậy mới giúp họ an tâm gắn bó lâu dài với nơi làm việc" - ông Quảng khẳng định.

Theo AN CHI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm