Một câu chuyện ấm lòng qua những ngày dịch bệnh đang hoành hành: Hàng ngàn tấn trái vải của nông dân vùng cao phía Bắc đã được người dân miền Trung và miền Nam đón nhận nồng nhiệt.
Trong lúc xuất khẩu đang chững lại, người nông dân đã tìm được lối ra cho sản phẩm khi rất khó khăn.
Giải cứu chỉ là một cách nói, ít nhiều cũng dễ làm chạnh lòng người trồng trọt. Đúng hơn là đón nhận một sản phẩm tốt với tinh thần hỗ trợ cùng nhau vượt khó. Bởi tự trái vải với đầy đủ hương vị thơm ngon, sạch sẽ đã đủ chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước. Huống gì đây là loại trái cây đặc thù chỉ vài vùng đất trồng được, đã đi vào nhiều giai thoại: Quả Lệ chi. Quả Lệ chi cũng gắn với án oan của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi vào thời Lê qua vụ án Lệ chi viên mà có lẽ nhiều người từng biết.
Sản lượng vải của Việt Nam khoảng 300.000 tấn/năm. Những năm qua, trái vải đã quen với người dùng trong nước nhờ quá trình vận chuyển đã thuận lợi, giá cả chấp nhận được và quan trọng là chất lượng cao. Thế nhưng, khi chinh phục được thị trường nước ngoài, phần lớn sản lượng vải ngon đều được xuất khẩu thì trái vải cũng trở nên ít thấy ở thị trường trong nước, đặc biệt là ở thị trường các tỉnh phía Nam. Có những mùa không tìm được vải để mua dù giá khá cao, 80.000 đồng/kg cho loại vải tu hú vị chua, hạt lớn - là loại mà không thể xuất khẩu được. Dẫu biết đây là quy luật thị trường nhưng ngẫm cũng buồn, mong người nông dân xuất khẩu được quả vải thì trong nước phải tiêu thụ hàng kém, giá cao và ngược lại.
Câu chuyện của quả vải cũng chính là thực tiễn của hàng loạt loại nông sản khác như gạo, cà phê, các loại quả ngon như xoài, sầu riêng, cam, bưởi... Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân ít được chú ý khi con đường ngoại thương có nhiều thuận lợi. Nhiều nhà kinh doanh cũng quên rằng ngưỡng tiêu thụ của người dân trong nước đã rất cao cả về sản lượng lẫn chất lượng. Họ có thể mua các loại trái cây ngoại nhập với giá vài trăm ngàn đồng mỗi ký như táo, cam, kiwi... cho đến cả triệu đồng mỗi ký như nho Nhật, cherry Mỹ, chà là Trung Đông, hồng khô Hàn Quốc...
Thiếu những loại trái cây ngon trong nước, người tiêu dùng sẽ hướng đến trái cây nhập khẩu. Lâu dần, xu hướng tiêu dùng này đã tạo thành thói quen với suy nghĩ trái cây nhập ngoại mới ngon, bảo đảm an toàn. Tại các đô thị lớn, thị trường trái cây trong nước đã bị đánh bật bởi trái cây nhập ngoại. Thuyết phục hơn, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019 chúng ta nhập khẩu gần 1,8 tỉ USD rau quả (chủ yếu là trái cây).
Trái vải rất hấp dẫn nhưng cũng đừng quên nó cũng được trồng đại trà ở phía Nam Trung Quốc và Nhật, Ấn Độ, Mỹ, Úc... với chất lượng không thua kém tại Việt Nam. Xoài, sầu riêng, măng cụt... cũng thế, nhiều nước trồng tốt theo kiểu trang trại nên chất lượng đồng đều, lúc nào cũng sẵn sàng bước vào thị trường hấp dẫn Việt Nam. Chúng ta có một "sân nhà", hậu phương trù phú lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ sản phẩm trong nước nhưng cũng đừng quên rằng sự hỗ trợ này không phải là vô điều kiện, nếu không được đối xử sòng phẳng.
Theo Phạm Hồ (NLĐO)