Trước kia, cô dâu, chú rể thường đi trao thiệp mời tới tận tay khách, thì giờ đây, việc mời cưới thường được đơn giản hóa thông qua mạng xã hội.
Hình thức mời cưới qua dòng trạng thái đăng tấm hình thiệp cưới lên facebook đang là "mốt" hiện nay - Ảnh chụp màn hình |
Tuy nhiên, rất nhiều người bày tỏ sự khó chịu trước trào lưu… mời cưới online, vì cho rằng bên cạnh sự tiện lợi, nhanh chóng thì có lúc khách mời cảm thấy không được tôn trọng. Mặc dù không câu nệ việc mời cưới bằng hình thức online nhưng hầu hết các ý kiến đều cho rằng, gia chủ cần thận trọng và khéo léo hơn…
Thời gian, địa điểm rõ ràng nhưng...
Chị Nguyễn Thị Linh (27 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết vừa nhận được tấm thiệp mời trên... Facebook từ một người bạn mới quen. Tấm thiệp với thời gian, địa điểm rất rõ ràng nhưng không ghi tên người nhận. Đáng nói hơn, khoảng cách từ chỗ người bạn này đến nơi chị Linh ở chỉ vài km.
Chị Linh cũng không thấy lạ vì trước đó đã nhận được rất nhiều lời mời cưới của bạn bè trên mạng xã hội. Theo chị Linh, có hai cách mời cưới phổ biến qua mạng xã hội hiện nay là gắn thẻ qua các dòng trạng thái, hoặc gửi tin nhắn cá nhân.
"Việc gắn thẻ qua dòng trạng thái có thuận lợi là "một lời mời trúng nhiều đích". Các cặp đôi sẽ gắn thẻ hàng trăm người bạn trên mạng xã hội kèm vài dòng "status", tấm hình thiệp cưới không ghi rõ định danh. Nếu chỉ mời bằng cách này, dù có thân thiết tôi vẫn không tới dự, bởi cảm thấy thiếu sự tôn trọng" - chị Linh nói.
Còn theo cách gửi tin nhắn qua Facebook hay Zalo - theo chị Linh - có thể chấp nhận được nếu hai bên có mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên, chị Linh cũng lưu ý, ít nhất hình ảnh tấm thiệp phải được ghi rõ tên người nhận kèm những lời mời lịch sự, khéo léo.
Đồng quan điểm này, anh Nguyễn Văn Tài (17 tuổi, Long An) khẳng định: "Nếu những dòng tin nhắn mời cưới được sao chép và gửi đi đồng loạt thì tôi sẽ không quan tâm tới nữa. Việc mời cưới như thế này thực sự đơn giản, tiện lợi cho gia chủ nhưng cần phải có phép lịch sự tối thiểu, đó là quyền... được gọi tên".
Tùy mối quan hệ
Chị Nguyễn Thị Cẩm Trang (26 tuổi, Vĩnh Long) nhìn nhận đây là một trào lưu phổ biến, và có thể chấp nhận được tùy thuộc vào độ thân thiết của mối quan hệ.
"Có nhiều người bạn rất lâu không liên lạc, bẵng đi một thời gian, thấy họ đăng hình cưới lên Facebook, nếu mình vào "thích", hay thả tim, bình luận..., và ngay lập tức sẽ... bị mời. Kiểu mời xã giao đó, thông thường tôi hiếm khi tới dự" - chị Trang bộc bạch.
Chị Trang cũng cho rằng, nếu có chủ đích thật sự thì phải mời đến nơi đến chốn chứ không được "vơ đũa cả nắm", rồi trúng ai thì trúng. "Trường hợp ở xa có thể thông cảm và tới dự chung vui. Nhưng thiệp mời cần ghi rõ tên người nhận để tránh làm phật lòng khách. Đồng thời, không mời tràn lan mà nên xem xét dựa vào mức độ thân - sơ" - chị Trang nói thêm.
Còn theo chị Linh, việc mời cưới tràn lan cũng gây không ít phiền toái cho chính gia chủ. Cô dâu, chú rể sẽ không thể kiểm soát, dự đoán được số lượng khách, gây tình trạng thừa hoặc thiếu chỗ trong ngày trọng đại. Những tình huống dở khóc dở cười này khiến cuộc vui không còn chu đáo, khách mời phật lòng, từ đó, dễ rạn nứt tình cảm.
Đồng thời, việc gửi thiệp online cũng cần chú ý đến tuổi tác, vị thế của khách mời. Chị Linh góp ý: "Bạn bè thì không sao, nhưng đối với người lớn tuổi, gửi "tấm thiệp ảo" rất không phù hợp, gây phản cảm. Thay vào đó, nên mời cưới theo hình thức truyền thống là gửi thiệp tận tay hoặc bất đắc dĩ quá thì gọi điện thoại để mời và mong được thông cảm".
Anh Hoàng Đình Tuấn (27 tuổi, Hà Nội) cũng không quá câu nệ việc mời cưới qua Internet. Anh Tuấn lý giải, cô dâu chú rể thường rất bận rộn trong thời gian chuẩn bị lễ cưới, việc gửi thiệp ảo sẽ tiện lợi, giảm được chi phí, công sức đi lại. Tuy nhiên, anh cũng đồng quan điểm, phải thận trọng, khéo léo khi sử dụng hình thức mời cưới online.
Lĩnh Hồng (TTO)