Balo kiến thức

Kỹ năng sống

Học kỹ năng sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hồi ở rừng, chúng tôi được các bậc đàn anh, đàn chị hướng dẫn cho cách nhận biết các loài cây hoa lá có độc tố nguy hiểm để tránh nhầm lẫn với các loại rau củ quả có thể dùng được khi cần thiết. Tuy vậy, vẫn có người bị ngộ độc vì ăn phải loài rau độc, có lẽ là do thiếu kỹ năng sống.

ky-nang-song-dd.jpg
Ở rừng có nhiều loài cây, lá, hoa nhìn rất đẹp mắt, nhưng chúng có thể có độc tố gây chết người. Ảnh: Đ.M.P

Ở rừng có nhiều loài cây, lá, hoa nhìn rất đẹp mắt, nhưng chúng có thể có độc tố gây chết người. Mới đây, chúng tôi có cuộc “thám hiểm” các cánh rừng Kbang. Dọc đường đi, tôi bẻ một nhành hoa rất đẹp, màu vàng tươi, kết thành chùm tự nhiên, đưa cho mọi người với câu hỏi: Có ai biết đây là hoa gì không? Trong nhóm đi rừng hôm ấy, chỉ duy có một bạn nữ tên Trang người dân tộc Bahnar bảo: Đó là “cây chết chóc” mà người Kinh nói là cây hoa lá ngón, rất độc.

z6063234221258-6c797e360548bb89d46ed0ed8f857cbb.jpg
Cây lá ngón chứa chất kịch độc gây chết người. Ảnh: Đ.M.P

Theo một số tài liệu khoa học đã được công bố, lá ngón là một loại cây leo thân quấn thường xanh, dài tới 12 m khá phổ biến ở vùng núi nước ta cũng như các nước Đông Nam Á và một số vùng ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây lá ngón mọc nhiều ở vùng núi Tây Bắc và Tây Nguyên.

Tại Gia Lai, cây lá ngón mọc ở vùng rừng Kbang, Kông Chro, Chư Prông... Nó được tìm thấy trong các cánh rừng rậm và dày ở cao độ từ 200 m đến 2.000 m so với mực nước biển.

Thân cây lá ngón có khía. Cành non màu xanh lục nhạt không có lông. Cành già màu xám nâu nhạt. Lá mọc đối, hình trứng hay hình trứng mũi mác, đầu nhọn, xanh nhẵn bóng, mép lá nguyên, dài 7-12 cm. Hoa màu vàng có 5 cánh, tràng hoa hình phễu, ra hoa trong khoảng từ tháng 5 tới tháng 11, 12... Đây là loài cây ưa ánh sáng nên thường mọc chỗ đất trống, bìa rừng, ven đường. Mô tả là vậy nhưng không phải ai cũng nhận ra loài cây hoa lá cực độc này.

Nhưng cây lá ngón cũng có 2 loại. Mới nghe người ta rất khó tin khi nói lá ngón vẫn ăn được, thậm chí là... đặc sản. Ấy là một ngày cách nay đã hơn 10 năm, rong ruổi lên miền Tây Bắc, chúng tôi được anh bạn đồng nghiệp ở Báo Lai Châu tiếp đón. Anh bảo: “Tối nay, chúng tôi sẽ chiêu đãi các bạn bằng món lá ngón nấu với lòng dê tơ, đặc sản Tây Bắc đấy nhé”.

Tưởng anh nói vui, ai dè là thật. Món lá ngón nấu với lòng dê còn thơm ngon, đậm đà hơn món dé đắng của Gia Lai, dù cách chế biến cũng na ná nhau. Tới khi đó, tôi mới biết rằng lá ngón còn là món đặc sản Tây Bắc. Đây là loại lá ngón không có độc.

Thời bây giờ, người ta hay bảo giáo dục kỹ năng sống cho trẻ con, là đúng, để chúng lớn lên, ra đời khỏi bỡ ngỡ trước thiên nhiên và xã hội có bao điều còn bí ẩn. Mà cũng chẳng chỉ giáo dục cho trẻ con, người lớn cũng cần biết kỹ năng sống khi đối diện với những điều trắc trở biết cách mà ứng xử, mà đề phòng.

Ngày trước, ở căn cứ cách mạng trong rừng già, chúng tôi được lớp người đi trước dạy cho bao điều mới lạ về rừng, phòng khi bất trắc lạc rừng mà biết cách tự mình tồn tại khi chưa tìm về được cơ quan, đơn vị. Tuy vậy, cũng có không ít người đã từng ăn phải quả độc, uống phải nước không an toàn vệ sinh, nguy hiểm đến tính mạng. Ông bà xưa dạy rằng “rừng thiêng nước độc” là chẳng sai. Thiết nghĩ, học kỹ năng sống khi tiếp xúc với rừng là cần thiết với bất kỳ ai.

Có thể bạn quan tâm