Thời sự - Bình luận

Được mùa chớ phụ ngô khoai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tình trạng lật kèo, hủy giao kết khi giá tăng trong ngành cà phê đã đến mức báo động khi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước "dọa" chuyển qua nơi khác tìm nguồn thu mua mới.

Chuyện xuất phát từ việc tăng như vũ bão, tăng liên tục khiến các hợp đồng mua bán chưa ráo mực đã trở nên lỗi thời. Tình hình này khiến người bán luôn cảm giác như mình "bị hớ, bị thiệt". Nếu chậm lại một nhịp, thậm chí một vài ngày cũng có thể thu thêm một khoản lợi nhuận không nhỏ. Tâm lý này lại được bồi đắp liên tục khi giá cà phê tăng không có điểm dừng, dẫn đến nhiều người không giữ được lòng tham và đơn phương hủy kèo, hủy giao kết, thậm chí hủy cả hợp đồng đã ký trước đó với đối tác để bán cho người mới với giá mới cao hơn. Tại hội nghị ngành cà phê cách đây 2 ngày, một số doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã cảnh báo sẽ chuyển sang nước khác tìm nguồn thay thế. Chưa bàn đến việc này có xảy ra hay không nhưng điều đó cho thấy chuyện đã trở nên trầm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành cà phê VN chứ không còn là chuyện của một vài người, một vài DN.

Năm ngoái, sự việc tương tự cũng diễn ra với ngành lúa gạo khi giá lương thực trong nước và thế giới tăng mạnh. Nông dân hủy kèo thương lái, thương lái hủy kèo DN, DN lỡ hợp đồng với đối tác... Thế nên giá tăng nhưng niềm vui không trọn vẹn. Trong hệ sinh thái lúa gạo vẫn rất nhiều đơn vị thua lỗ, thậm chí còn đối mặt với nguy cơ bị kiện do không thực hiện đúng các cam kết đã ký.

Thất hứa, hủy kèo, đơn phương để bán với giá cao hơn, đôi khi chỉ là cái chặc lưỡi của một vài chủ vườn, một vài thương lái, một vài DN thu gom... nhưng đằng sau đó lại là uy tín, thương hiệu, phong cách làm ăn của ngành nông nghiệp nước nhà. Cần nhớ, VN hiện là nước xuất khẩu cà phê, gạo, tiêu, điều... hàng đầu thế giới. Đặc biệt trong nửa thập niên trở lại đây, nông sản xuất khẩu của chúng ta đã có bước tiến dài về chất lượng, thay vì chỉ xuất thô, xuất chui và chạy theo số lượng như trước. Chúng ta đã chứng kiến gạo Việt được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới, đang thay đổi gu uống của các tín đồ trên toàn cầu... Nhưng để xây dựng được thương hiệu quốc gia cho gạo, cho cà phê và nông sản nói chung, bên cạnh chất lượng, số lượng thì uy tín, sự chuyên nghiệp là những yếu tố không thể thiếu. Không thể có cường quốc nông sản mang tư duy buôn chuyến, sẵn sàng hủy kèo để kiếm lợi nhuận cao hơn. Ở chiều ngược lại, chúng ta không phải là người bán duy nhất mà thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của nhiều nước trên thế giới. Quan trọng hơn, giá không thể tăng mãi, nhu cầu không phải vô biên và nguồn cung có thể bồi đắp bất cứ lúc nào, vậy đặt trường hợp giá xuống, đối tác cũng dễ dàng hủy kèo thì chúng ta sẽ thế nào?

Thế nên mới nói "được mùa chớ phụ ngô khoai". Giá tăng cũng chớ vội thất hứa với đối tác. Tư duy này có thể giúp chúng ta kiếm được một vụ nhưng có thể mất cả chặng đường dài sau đó. Trong thế giới phẳng ngày nay, mọi thông tin đều được chuyển tải rất nhanh, rất xa nên phụ một đối tác có thể dẫn đến mất nhiều khách hàng.

Hàng hóa VN đã xuất khẩu đi cả trăm quốc gia trên thế giới nên tư duy buôn chuyến cần phải bị loại bỏ để bảo đảm tính chuyên nghiệp của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại và hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm