Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Đường dây làm bằng giả hơn 200 trường đại học, cao đẳng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 15-5, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ đường dây làm giả liên quan đến 250 người và đơn vị do bị cáo Lê Hồng Phong cầm đầu. Trong đó, hơn 200 trường đại học, cao đẳng bị làm giả bằng cấp...

Theo hồ sơ, năm 2013, Phong từ quê tỉnh Bình Thuận vào TP.HCM làm thuê. Phong quen biết người tên Thành (không rõ lai lịch) chuyên làm giả các loại văn bằng, chứng chỉ bán cho người có nhu cầu. Thành thuê Phong phụ giúp đi giao bằng giả cho khách, được trả tiền công là 500 ngàn đồng/bằng.

 

Bằng giả bị phát hiện.
Bằng giả bị phát hiện.

Đầu năm 2014, Thành không làm nữa. Phong mua lại toàn bộ dụng cụ làm bằng giả của Thành, như máy vi tính, máy in scan màu, con dấu các trường Đại học, Cao đẳng, cơ quan, tổ chức (toàn bộ là con dấu mộc giả). Đồng thời, Thành hướng dẫn cho Phong cách thức làm văn bằng giả bằng các dụng cụ và con dấu mộc giả. Từ đây, Phong bắt đầu làm văn bằng, chứng chỉ giả bán cho người có nhu cầu. Phong thuê căn nhà trên đường Trần Xuân Soạn, phường Tân kiểng, Quận 7 làm nơi trực tiếp làm văn bằng, chứng chỉ giả.

Đến cuối năm 2014, Phong thuê Lê Văn Tưởng (bạn quen biết trước đó) tham gia phụ giúp đi giao bằng giả cho khách, trả tiền công cho Tưởng từ 300 đến 500 ngàn đồng/bằng. Về sau, Phong hướng dẫn lại cho Tưởng trực tiếp làm bằng giả thì trả lương cho Tưởng 7.000.000 đồng/tháng.

Phong lên mạng internet đăng tin rao bán bằng giả, ai có nhu cầu thì gọi điện thoại, liên lạc. Giá bán văn bằng đại học giả là 4 triệu, bằng thạc sỹ 8 triệu, bằng tốt nghiệp phổ thông ba triệu, chứng chỉ từ 1 đến 1,5 triệu, tùy theo loại văn bằng, chứng chỉ khác nhau. Phong và Tưởng sử dụng nhiều số thuê bao điện thoại (sim không đăng ký) để rao bán, liên lạc với người đặt mua bằng giả.

Khi khách điện thoại liên lạc mua bằng giả thì Phong trực tiếp nhận thông tin, yêu cầu của khách. Nếu khách gọi cho Tưởng thì Tưởng nhận thông tin, yêu cầu rồi nhắn tin chuyển lại cho Phong.

Sau đó, Phong tìm kiếm trên mạng internet mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ, hình mẫu dấu mộc, chữ ký hiệu trưởng. Phong và Tưởng sử dụng máy scan, máy tạo con dấu mộc, máy dập dấu nổi, máy vi tính, máy in, các con dấu mộc giả, máy ép plastic, làm hoàn chỉnh tấm văn bằng, chứng chỉ giả giao cho khách, lấy tiền.

Phương thức thực hiện, Phong tạo mẫu bằng giả, gửi qua email cho Tưởng để Tưởng in ra rồi đóng dấu chìm, dấu nổi, dán tem mang giao cho khách nhận tiền giao lại cho Phong.

Khoảng tháng 10-2015, Phong và Tưởng mở rộng địa bàn mua bán văn bằng giả đến Hà Nội. Nhóm thuê thêm Đỗ Xuân Hoàng tham gia để làm, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả với người mua các tỉnh phía Bắc. Nhiệm vụ của Đỗ Xuân Hoàng là giao bán bằng giả cho khách ở Hà Nội. Sau khi Phong và Tưởng làm xong bằng giả, chuyển bằng đường bưu điện ra cho Hoàng. Hoàng nhận giao cho khách theo địa chỉ, nhận tiền chuyển tiền vào cho Tưởng và Phong qua tài khoản ngân hàng. Hoàng được hưởng tiền công giao 200 ngàn đồng/bằng.

Khoảng tháng 2-2016, Phong thuê thêm Nguyễn Hữu Nhân tham gia đi giao bằng giả trong địa bàn TP.HCM.. Công việc của Nhân là khi Tưởng, Phong làm ra bằng giả, đưa địa chỉ cho Nhân mang giao cho khách lấy tiền về hoặc khi Tưởng gửi bằng giả ra Hà Nội cho Hoàng, thì Nhân mang ra bưu điện gửi. Phong trả công cho Nhân 5 triệu đồng/tháng.

Đến tháng 6-2016, Phong thuê thêm Nguyễn Thị Bích Vân (là người quen biết với Phong qua mạng xã hội) tham gia làm bằng giả thay thế vai trò của Tưởng. Phong thuê căn hộ chung cư Hưng Vượng 1, Phú Mỹ Hưng, P.Tân Phong, Q& do Vân đứng tên hợp đồng thuê nhà để làm nơi làm văn bằng, chứng chỉ giả. Hàng tháng, tiền nhà Phong thanh toán.

Phong và Tưởng hướng dẫn cho Vân biết cách thao tác trên máy vi tính, máy in màu Scan, sử dụng dụng cụ, máy tạo dấu mộc, máy dập dấu, chịu trách nhiệm in ra văn bằng giả. Vân làm hoàn chỉnh xong, gọi điện cho Nhân hoặc Tưởng đến nhận bằng giả đi giao cho khách. Vân là người trực tiếp ở tại căn hộ “quản lý” dụng cụ, máy làm văn bằng, chứng chỉ giả. Quá trình thực hiện, Vân nhờ người bạn tên Cốt (chưa rõ lai lịch) cùng phụ giúp với Vân làm bằng giả. Phong trả tiền công cho Vân 7 triệu đồng/tháng.

Thời gian này, Phong phân công Nhân có nhiệm vụ đi giao bằng giả cho khách khu vực TP.HCM Nếu khách ở Hà Nội thì Tưởng gửi bưu điện chuyển phát nhanh cho Đỗ Xuân Hoàng giao. Phong không ở lại TP.HCM mà về ở Bình Thuận. Khoảng 2-3 tuần, Phong từ Bình Thuận vào TP.HCM kiểm tra công việc, tính toán tiền công, chi phí và thanh toán với Tưởng, chia tiền thu nhập bất chính từ việc làm, bán văn bằng, chứng chỉ giả.

Ngày 17-8-2016, Công an quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội phát hiện, lập biên bản bắt giữ Hoàng đang mang bằng giả giao cho khách trước cổng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Khám xét thu giữ của Hoàng 80 bằng cấp các loại. Hoàng khai nhận số lượng bằng giả bị thu giữ là bằng giao cho khách không nhận, hoặc chưa kịp giao. Qua truy xét, 10 ngày sau, CQĐT quận 7 khám xét nhà Vân thuê là nơi tập kết dụng cụ, máy móc làm bằng giả của Phong.

Xử sơ thẩm, TAND quận 7 đã tuyên phạt bị cáo Phong, Tưởng ba năm sáu tháng tù, Nhân, Hoàng, Vân cùng ba năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Sau đó chỉ bị cáo Phong kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm sáng nay ban đầu bị cáo Phong đề nghị hoãn phiên xử để mời luật sư nhưng sau đó lại rút kháng cáo. HĐXX xét bị cáo tự nguyện nên quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm...

Hoàng Yến/phapluat

Có thể bạn quan tâm