Văn hóa

Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai: Gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Logo chính thức của Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai.
Logo chính thức của Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai.

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai sẽ khai mạc với hàng loạt những chương trình hoạt động hấp dẫn, đặc sắc. Những ngày này, công tác chuẩn bị cho sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực này cũng đang gấp rút hoàn thành với quyết tâm tạo dựng một thương hiệu văn hóa cho tỉnh nhà.

Tích cực quảng bá hình ảnh

Tại trung tâm TP. Pleiku, Sân bay Pleiku (ảnh) và Bến xe Đức Long Gia Lai, nhiều panô tuyên truyền về Festival đã xuất hiện. Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch cũng triển khai công tác tuyên truyền trực quan về Festival bằng cách đặt cụm panô tuyên truyền tại các huyện Chư Sê, Chư Pah, Đức Cơ và thị xã An Khê... 

Ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở- cho biết: Sở vừa đón tiếp và tổ chức cho đoàn báo chí trong nước đi thực tế từ ngày 15 đến 19-9-2009 tại các huyện Chư Pah, Kbang, Đak Đoa để tìm hiểu về văn hóa bản địa; trước đó, lãnh đạo Sở cũng đã làm việc với Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh triển khai làm bộ phim “Gia Lai ký sự”. Trên trang web vừa mới “khai sinh” của Sở, một số thông tin cơ bản về văn hóa, thể thao, du lịch và chương trình tổng thể của Festival cũng đã được post lên cùng nhiều hình ảnh đẹp, bắt mắt. Đây là những nỗ lực nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa những hình ảnh đẹp về đất nước, con người Gia Lai và Festival sắp diễn ra tại đây.

Song song với công tác tuyên truyền, Sở đã làm việc với Công ty Sơn Lâm về triển khai kế hoạch tập luyện chương trình khai mạc và bế mạc Festival (bắt đầu từ cuối tháng 9-2009); khảo sát lại các cơ sở lưu trú tại TP. Pleiku và TP. Kon Tum để có hướng tham mưu cho Ban tổ chức trong việc tiếp đón khách; phối hợp với các sở, ban ngành trong tỉnh trong công tác tổ chức...

Ảnh: Phương Duyên
Ảnh: Phương Duyên

Phối hợp sát sao với Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Công ty cổ phẩn Văn hóa- Du lịch cũng đang cùng các nghệ nhân lên kế hoạch phục dựng lễ Pơthi (bỏ mả) và trình diễn tạc tượng tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh; Công ty cổ phần Dịch vụ- Du lịch chuẩn bị cho phần trình diễn chỉnh chiêng tại Công viên Diên Hồng; ngoài ra 2 đơn vị này còn có nhiệm vụ phối hợp tổ chức thực hiện Làng Văn hóa ẩm thực với các món ăn truyền thống đặc sắc của các dân tộc tại Công viên Lý Tự Trọng. Công ty TNHH 1 thành viên Đặng Phước cũng chịu trách nhiệm về phục dựng lễ đâm trâu mừng chiến thắng tại Khu Du lịch sinh thái Về Nguồn.

Được biết, trong những ngày diễn ra Festival, các khu du lịch nói trên đều miễn thu vé vào cổng (10.000 đồng- 15.000 đồng/lượt/người) đối với du khách.

Các sở ngành đều “vào cuộc”

Chịu trách nhiệm tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam Chất lượng cao trong khuôn khổ Festival, phía Sở Công thương cho biết Hội chợ sẽ có sự góp mặt của 150 doanh nghiệp trong nước với 350 gian hàng, được bố trí tại Công viên Lý Tự Trọng trong phạm vi 1,5 ha. Cùng lúc, Hội Làng nghề tiểu- thủ công nghiệp cũng diễn ra tại đây với tổng diện tích 2.000 m2, gồm 20 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm như nhạc cụ truyền thống, sản phẩm mây tre lá, gốm mỹ nghệ, thổ cẩm; tổng kinh phí hội làng nghề là 426 triệu đồng. Sở này cũng đang gấp rút đặt Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Glar (Đak Đoa) làm 3.000 túi xách thổ cẩm (có đính logo của Festival) để tặng đại biểu và khách mời.

Vòng xoay tại giao lộ Trần Phú-Lê Lai (TP. Pleiku) đang được chỉnh trang để phục vụ Festival. Ảnh: Phương Duyên
Vòng xoay tại giao lộ Trần Phú- Lê Lai (TP. Pleiku) đang được chỉnh trang để phục vụ Festival. Ảnh: Phương Duyên

Bên cạnh đó, Hội Văn học- Nghệ thuật Gia Lai cũng đang tập hợp, tuyển chọn và cho ra mắt tập thơ và đĩa nhạc viết về Gia Lai để làm quà trong dịp này; dự kiến sẽ có sản phẩm 1 tháng trước khi diễn ra Festival. Sở Kế hoạch- Đầu tư cũng... ra đĩa, nhưng là đĩa CD giới thiệu về Gia Lai và tiềm năng đầu tư; đồng thời lên đề án chương trình Hội nghị xúc tiến đầu tư trong chương trình Festival. Sở Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng kế hoạch chi tiết triển lãm sinh vật cảnh; Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Chính phủ xin kinh phí hỗ trợ tổ chức Festival (khoảng 5 tỉ đồng); Sở Giao thông- Vận tải sắp xếp phân luồng, “tút” lại các tuyến xe buýt và cho dán logo Festival lên thân xe để tuyên truyền; tập huấn cho đội ngũ lái xe, nhân viên của các công ty xe buýt, taxi về thái độ phục vụ du khách sao cho thân thiện, đảm bảo chất lượng trong dịp này.

Ngoài ra, để chuẩn bị nhân lực phục vụ cho lễ khai mạc và bế mạc Festival, Sở Giáo dục- Đào tạo sẽ huy động 1.200 học sinh- sinh viên các trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku và Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai tham gia tập luyện biểu diễn; Bộ Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên cũng hỗ trợ giúp tỉnh bố trí 600 cán bộ, chiến sĩ... UBND TP. Pleiku cũng đã lên kế hoạch chỉnh trang đô thị, công tác bảo vệ môi trường tại TP. Pleiku để phục vụ Festival.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung, Festival phải làm bật lên không gian văn hóa đặc trưng của từng hoạt động chứ không chỉ chú trọng về mặt nghệ thuật và biểu diễn, bởi “không gian lễ Pơthi khác không gian lễ đâm trâu; không gian lễ đâm trâu khác không gian trình diễn tạc tượng”. Ngoài ra, cần làm thật tốt khâu kịch bản lễ khai mạc và bế mạc- để có chương trình truyền hình trực tiếp hiệu quả; đồng thời cần quảng bá tuyên truyền thật tốt về Festival không chỉ về mặt nội dung và còn về mặt nghệ thuật... 

Phương Duyên


Có thể bạn quan tâm