Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gác bếp có mùi bồ hóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi trở về mái nhà xưa. Nép êm êm sau gốc bơ già là chái bếp mẹ còn giữ. Mẹ tôi tóc bạc lưng còng vẫn cặm cụi khều than, chụm thêm củi cho bếp lửa đượm hồng.
Bố mẹ tôi đều đã ở tuổi xưa nay hiếm. Bếp than củi với mớ bồ hóng giăng mắc chằng chịt sau thời gian dài đun nấu đã ám đen cả không gian chật. Chúng tôi mỗi đứa một tay, xây cho mẹ gian bếp mới với bếp gas tiện lợi, nồi điện sáng loáng nhưng mẹ vẫn vậy, cứ 4 giờ sáng là trở dậy cời than chụm lửa.
Tiếng đánh lửa vào mớ bùi nhùi tanh tách. Ánh sáng hắt vào nhà lúc tiếng bem bép nổ của củi bắt mồi. Mẹ bắc ấm nước sôi, vò nắm chè xanh hái ngoài vườn hồi tối để buổi sáng bố có ấm trà thơm đãi bạn. Mẹ vần niêu cơm xuống tro bếp đượm khi nó vừa cạn nước với tiếng sôi lụp bụp. Mùi cơm gạo mới bay tận vào chỗ ngủ khiến tôi chập chờn nhớ ngày còn thơ. Cuối tháng tư, khi vào vụ gặt lúa Đông Xuân, chúng tôi thường rủ nhau trèo lên nhảy xuống đống rơm, phụ mẹ quạt lúa, đốt đống trấu. Trong đống trấu còn lẫn những hạt lúa chắc mẩy, nổ bem bép nghe rất vui tai. Chúng tôi khều hạt lúa nở bung như hoa từ đống trấu, vo vo thổi thổi rồi bỏ miệng ăn vội mà như nghe được cả hương vị đặc trưng của ngày mùa.
Bây giờ, trong căn bếp nhỏ có đủ nồi cơm điện, bếp từ, bếp gas, nhưng mẹ vẫn giữ mọi thứ như xưa. Một bên siêu nước réo ù ù, nồi cơm vần xuống tro là nồi cá kho bắc lên. Mẹ hay mua cá đồng ướp trong niêu đất rồi vùi tro trong bếp cả đêm. Đến bữa sáng, có niêu cá, mở ra có lẫn mùi riềng, nghệ mà vây xương đều ngấu nhừ. Trên bếp còn bắc thêm nồi nước luộc rau, nước sôi già thả vào mớ ngọn bí xanh tươi.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Cả thế giới làm nông ở trong gian bếp của mẹ. Tro bếp bón ruộng, bên trái chỗ sau niêu đất là hòn gạch ông Táo, chỗ đó mẹ để diêm, giẻ nhắc nồi. Bên phải là mớ củi xếp ngay ngắn với dao rựa. Trên gác bếp của mẹ chỗ khói bay lên là một thế giới mà con trai tôi phải thốt lên: “Kho báu diệu kỳ của nhà bà ngoại”.
Một lần bước vào bếp, tôi bế con lên, con cho tay quẹt vào mớ bồ hóng đen mịn. Lần nào, cậu chàng cũng reo to: “Ôi, đen quá”. Tôi chỉ cho con những quả bầu hồ lô già được mẹ ngâm ruột bỏ, gác lên bếp để bồ hóng ám cho chắc và đen bóng. Quả bầu dài và mướp được mẹ dựng gác lên để mùa sau xổ ra lấy giống, xơ mướp đem ngâm cho vàng để dùng. Giống rau cải tách đôi khi mẹ phơi ngoài nắng cũng được đem vào đây hong thêm, những bì hạt xà lách cũng được treo lên cho ám mùi khói. Góc trong cùng là giỏ bồ kết, đến mùa quả rụng, mẹ cần mẫn nhặt, phơi rồi để lên gác bếp dùng dần quanh năm cho khỏi mối mọt đụng vào.
Tôi nói con nghe về mùi khói bếp khi xưa, nhất là vào mùa mưa củi ướt cay xè mắt. Tôi kể cho con về lửa, về khói, về đun nấu, sưởi ấm và linh khí của một căn nhà được ấp ủ trong gian bếp nhỏ xinh. Cậu chàng gật gật cái đầu rồi thỏ thẻ: “Kho báu của bà to lớn quá mẹ ha”. Tôi lại chợt nhớ lời mẹ dặn, rằng bếp lửa trong nhà không bao giờ được tắt bởi giàn bồ hóng kia cũng ám cả mùi người. Vậy nên, mỗi bận về thăm bà ngoại, mẹ đều nhắc chị em chúng tôi nhớ đánh bùi nhùi đỏ lửa. Nhiều khi, mẹ nhìn xa, rồi nói câu đượm nỗi ngậm ngùi: “Không biết đến hồi mẹ đi xa, liệu gác bếp có còn mùi bồ hóng…”.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm