Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Nhớ con chim đa đa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bất ngờ giữa ban trưa thinh lặng, trong một con hẻm ở Pleiku cất lên tiếng gáy đa đa. Đó là con chim của những miền quê rừng rú, người hoài cổ nào đó cố kỳ công nuôi dưỡng. Tiếng chim ấy gợi nên một cảm giác yên bình nao nao, ngập tràn bao nhiêu kỷ niệm. Những ngày xa lắc xa lơ, chiến tranh, thiếu đói mà ngạt ngào yêu thương bỗng chốc tràn về.
Hồi chiến tranh chống Mỹ, dân vùng biển tản cư về quê tôi rất đông. Quê tôi là vùng bán sơn địa, xa quốc lộ 1A, xa biển nên khá an toàn. Dân biển tản cư (cũng gọi là đi sơ tán) ở ngay trong các gia đình miền sơn cước. Phần lớn phụ nữ, trẻ con được đưa đi, đàn ông khỏe mạnh vẫn bám biển.
Tôi quen rồi chơi thân với người bạn tên Được. Đến hồi đình chiến, Được thường lên quê tôi hái lá muồng (một loại chà là thân thấp, lá nhỏ) phơi khô, chở về biển quây cá trích. Lâu dần, lá muồng cũng trở nên hiếm hoi. Được bảo: “Mày hái lá muồng cho tao, hôm nào lên tao cho cuộn dây dù”. Thế là mừng hết biết!
Ngày ấy, dây dù rất hiếm, chịu nước tốt, lại có sức bền ít dây nào sánh được, dân miền biển dùng để vá lưới. Với bọn trẻ trâu chúng tôi, đó là loại sợi nhất hạng cho cái bẫy cò ke đánh đa đa.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Mùa hè, tầm trưa sang chiều, dọc theo các ngọn đồi bát úp lúp xúp bụi sim, mua, đuôi chồn... đa đa cất tiếng gáy vang thi thố nhau và tìm bạn tình. Cả vùng đồi hoang vu mênh mông có đến mấy chục con cùng cất tiếng đối đáp. Đa đa thuộc họ địa cầm, là chim trời bay được nhưng chỉ thích đi bộ trên mặt đất. Mỗi con trống thường làm chủ một khu vực nhỏ. Theo tiếng gáy thách thức ấy, chúng đi bộ, lần tìm tới nhau, đánh nhau để phân chia lãnh địa. 
Hình như nắng càng gắt, đa đa càng gáy thao thiết. Cả một miền quê âm u bỗng chốc rộn vang. Trên trời xanh, mấy con chim te vặt kêu nhao nhác. Dưới đất, ven các chân đồi, đa đa thả tiếng đến nao lòng. Phàm những con chim có nhan sắc, vẻ đẹp mĩ miều thì không biết hót; ngược lại, những con chim dáng vẻ thô mộc lại có tiếng hót tiếng gáy rất hay, sâu lắng mãi trong lòng người. Đa đa là loài như vậy.
Chim đa đa trưởng thành có thân hình tròn quay, ức nở, thịt chắc nịch. Toàn thân màu nâu xám pha đôi chút lông rằn. Con trống có những hàng cườm cổ. Chân thấp và nhỏ. Với người tinh nhìn địa thế ngọn đồi, sẽ biết nơi nào có bao nhiêu con chim đa đa, luồng lối nó đi về ra sao, đặt bẫy ở đâu con mồi sẽ dính.
Người đánh bẫy chuyên nghiệp thì dùng đa đa mồi và lưới sập, phải ngồi canh cả buổi. Bọn trẻ trâu thì đánh bẫy cò ke theo lối mòn. Rấp những hàng rào lá cây cành cây theo đường đồng mức để hướng đa đa đi theo ý mình. Thả bẫy xong thì về, cuối ngày mới đi thăm bẫy bắt chim.
Mỗi bữa đánh bẫy được mấy con đa đa trong lòng háo hức khôn kể. Niềm vui của sự may mắn, của sự giỏi giang tinh tỏ. Bao nhiêu là cảm xúc. Cái háo hức của sự đặt bẫy, cái thơm ngon của miếng thịt chim. Nhưng trên hết vẫn là tiếng gáy rền ngân những lưng đồi. Tiếng gáy ấy không lảnh lót như tiếng hót của chim sáo, chim yểng nhưng nó nồng ấm ngân nga mãi trong ký ức.
NHÂN SƠN

Có thể bạn quan tâm