Thời sự - Bình luận

Gang thép Thái Nguyên: Sao mà cay đắng, mà bế tắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

830 tỉ đồng thiệt hại trong vụ Giang thép Thái Nguyên, có nghĩa là còn lớn hơn tổng thu NSNN một tỉnh như Bắc Kạn. Nhưng cái đáng sợ nhất là sự vô vọng từ một dự án mà các thiết bị do nhà thầu Trung Quốc cung cấp không thể định giá nổi.

 

Đống sắt rỉ Thái Nguyên, dừng suốt từ 2013, 830 tỉ thiệt hại, và giờ chưa nhìn thấy bất cứ lối ra, chưa biết bao giờ chấm dứt cơn ác mộng. Ảnh: Hải Nguyễn/LĐO
Đống sắt rỉ Thái Nguyên, dừng suốt từ 2013, 830 tỉ thiệt hại, và giờ chưa nhìn thấy bất cứ lối ra, chưa biết bao giờ chấm dứt cơn ác mộng. Ảnh: Hải Nguyễn/LĐO



Bản kết luận điều tra đại án Gang thép Thái Nguyên (TISCO) thật sự khiến dư luận choáng váng.

Choáng váng, ở con số thiệt hại 830 tỉ đồng. Tính ra, nó còn lớn hơn tổng thu NSNN của một tỉnh như Bắc Kạn.

Choáng váng, vì từ tổng mức ban đầu 160 triệu USD (khoảng 2.596 tỉ đồng) với thời gian thực hiện hợp đồng 30 tháng, nó được tăng lên đến 8.100 tỉ.

Và dù tăng 110% vốn, nhưng dự án giai đoạn 2 của TISCO đến nay, dù chậm tiến độ gần 10 năm, vẫn tồn tại dưới hình hài một đống sắt vụn khổng lồ.

Choáng, ở việc nhà thầu chính: Tập đoàn khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) sau khi ẵm 107 triệu USD, tương đương 2.064 tỉ đồng đã rút toàn bộ về nước trong một hành động quá vô trách nhiệm.

Và bây giờ, ngay cả các loại xe máy thiết bị họ để lại từ Hội đồng định giá tài sản của UBND tỉnh Thái Nguyên cho đến Hội đồng định giá Bộ GTVT đều lắc đầu bó tay vì không thể định giá nổi.

Lý do, các loại máy móc thiết bị thuộc loại “năm cha ba mẹ” ấy là không có đủ thông tin, không đủ cơ sở, không đủ điều kiện để tiến hành định giá.

Có nghĩa rằng 830 tỉ thiệt hại chưa phải là con số cuối cùng.

Bởi, còn có một thiệt hại lớn hơn, với đống sắt thép thiết bị hổ lốn rỉ nát - y như sắt vụn và không thậm chí định giá nổi ấy... chúng ta đang bất lực trong việc giải quyết hậu quả.

19 bị cáo bị truy tố và sẽ phải ra toà. Họ, đương nhiên phải trả giá cho những sai phạm gây thiệt hại lớn. Nhưng cục xương, hay đống sắt vụn Thái Nguyên cần có một giải pháp, một sự quyết đoán để thoát ra danh sách 12 đại dự án.

Quyết đoán để đưa nhà thầu Trung Quốc ra toà.

Quyết đoán, để tìm một nhà đầu tư khả dĩ có thể mua lại dự án, để tái sinh một nhà máy từng được coi là cánh chim đầu đàn của ngành thép Việt Nam. Nói như chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Nhà nước không thể góp vốn vào nữa, nhưng cần phải khôi phục lại bằng cách để cho nó thoái vốn”.

Dự án Giai đoạn 2 của Thép Thái nguyên đã phải dừng thi công suốt từ 2013. Hơn 4.400 tỉ đã đầu tư giờ thành sắt vụn. Cứ thêm một ngày là thêm thiệt hại.

Và đằng sau đó là cuộc sống, là sinh kế của hơn 5.000 người lao động.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/gang-thep-thai-nguyen-sao-ma-cay-dang-ma-be-tac-863974.ldo

Theo ANH ĐÀO (LĐO)

Có thể bạn quan tâm