Kinh tế

Nông nghiệp

Gạo Krol trở thành sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, chị Lê Thị Bích Hòa (thôn 76, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) liên kết với một số hộ nông dân sản xuất giống lúa Krol. Mới đây, sản phẩm gạo Krol được UBND huyện Đak Đoa công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Chị Lê Thị Bích Hòa cho biết: Giống lúa Krol được người Jrai ở xã Hà Bầu canh tác từ lâu đời. Vì đặc điểm hạt lúa tròn nên người Jrai gọi là “Krol” có nghĩa là “tròn”. Giống lúa này gieo trồng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm và cuối tháng 11 mới cho thu hoạch. Cây lúa sinh trưởng và phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất Hà Bầu và được người dân ở đây canh tác theo cách truyền thống, không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

“Gạo Krol khi nấu cơm có mùi thơm đặc trưng, có vị ngọt nhẹ, mềm, dẻo. Đặc biệt, khi để nguội, hạt cơm vẫn mềm. Khi chúng tôi đưa loại gạo này đi kiểm định thì có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Gạo Krol được khách hàng đánh giá là thơm ngon, an toàn, giá cả phù hợp”-chị Hòa chia sẻ.

Chị Lê Thị Bích Hòa (thôn 76, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) giới thiệu sản phẩm gạo Krol. Ảnh: Lê Nam
Chị Lê Thị Bích Hòa (thôn 76, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) giới thiệu sản phẩm gạo Krol. Ảnh: Lê Nam


Nhận thấy giá trị của giống lúa này, chị Hòa đã liên kết với 10 hộ dân địa phương sản xuất trên diện tích gần 6 ha. Đồng thời, chị thành lập cơ sở sản xuất, xay xát và kinh doanh loại gạo này. Đầu năm 2020, chị đăng ký tham gia chương trình OCOP và được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về sản phẩm, tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác. Ngoài ra, sản phẩm đã được đưa đi giới thiệu, quảng bá tại các chợ phiên nông sản an toàn, nhất là Tuần lễ cỏ hồng và Hội chợ nông sản an toàn huyện Đak Đoa cũng như các hội chợ do tỉnh tổ chức.

“Mong muốn của tôi khi tham gia chương trình này là để người tiêu dùng biết đến sản phẩm gạo đặc trưng của địa phương và giúp nông dân xã Hà Bầu ổn định sản xuất, có đầu ra đảm bảo, tăng thu nhập. Thông qua chương trình OCOP, tôi muốn giúp bà con xây dựng thương hiệu gạo Krol của địa phương”-chị Hòa bày tỏ.

Xã Hà Bầu hiện có khoảng 570 ha lúa, trong đó, đồng bào Jrai gieo trồng giống lúa Krol với diện tích 200-250 ha. Bà Blanh-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã-cho biết: Giống lúa Krol được người dân sản xuất từ rất lâu rồi. Phần lớn bà con làm lúa chỉ để ăn, ít bán ra thị trường. Cây lúa có thời gian sinh trưởng hơn 6 tháng nên người dân chỉ làm được 1 vụ trong năm và đạt năng suất 3,5-4 tấn/ha.

“Giống lúa Krol do người dân sản xuất lâu đời nên đã ít nhiều bị lai tạo, thoái hóa. Do đó, chúng tôi cũng muốn được phục tráng giống lúa Krol thuần chủng. Đồng thời, phối hợp với chị Hòa và người dân liên kết sản xuất lúa Krol, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ”-bà Blanh nói.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-ghi nhận: “Chúng tôi đánh giá cao gạo Krol vì mang tính đặc trưng, gắn với truyền thống và điều kiện sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hà Bầu. Đây là sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh; khi xây dựng được thương hiệu sẽ góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Phòng cũng đang phối hợp với UBND xã Hà Bầu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa giống Krol giai đoạn 2021-2025 để triển khai cánh đồng một giống nhằm duy trì và bảo tồn loại giống này”.

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm