Xã hội

Gia đình

Gia đình dấu yêu: Dạy con làm việc nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Khi tôi nói bé 2 tuổi nhà chúng tôi gấp chăn lại, hay lấy cho mẹ cây chổi, hốt rác và tự dọn dẹp những thứ mà con bày bừa ra sàn, nhiều người nhăn mặt, không đồng tình.
Minh họa: Văn Nguyễn
Minh họa: Văn Nguyễn
“Mất thời gian”, “mình làm còn nhanh hơn”, “để chúng làm rồi mình làm lại còn mệt hơn”, đó là lý do nhiều cha mẹ đưa ra và thường ôm hết tất cả việc nhà vào người (mà thường người mẹ sẽ là người làm việc nhà nhiều nhất).
Tôi đến nhà rất nhiều người, sau khi mọi người ăn uống xong, tất cả thành viên đều thản nhiên đứng dậy, bố pha trà hoặc đọc báo, lướt Facebook; các con, kể cả đã học tới lớp 9, ôm điện thoại, iPad hoặc ti vi. Trừ người mẹ, như một mặc định sẵn, dọn từ cái bàn bừa bộn, tới gian bếp đủ xoong nồi như bãi chiến trường rồi lại quần quật lau dọn nhà cửa, nhặt quần áo chồng con vất bừa bãi, cọ toilet, mang đồ đi giặt, ủi, tưới cây chăm hoa…; nghìn lẻ một công việc mà không thể nào kể hết.
Những đứa trẻ đều ngoan, học giỏi và được cho đi học thêm nhiều thứ từ tiếng Anh, piano, guitar, bóng đá, bóng rổ, kỹ năng sống, kỹ năng mềm, thế nhưng, sau cùng, những việc nhà đơn giản như rửa chén, gấp chăn màn sau khi ngủ dậy, lau một sàn nhà… chúng đều không tự làm.
Cho phép và dạy trẻ làm việc nhà, theo tôi có lợi đủ đường, vừa khiến mẹ con, cha con có thêm thời gian gắn kết bên nhau, bức tranh cha chiên cá, mẹ làm bánh, con nhặt rau luôn rộn ràng và sực nức mùi ấm cúng.
Từ thành thạo việc nhà, đứa trẻ sớm tự lập hơn, có thể tự lo cho mình khi cha mẹ vắng nhà hay đi du học sớm. Một cậu con trai ngay từ nhỏ được dạy và làm việc nhà cùng cha mẹ, chắc chắn sẽ trở thành một người đàn ông biết san sẻ những nhọc nhằn trong đời thường của vợ trong tương lai, từ đó xã hội bình đẳng hơn.
Tôi từng đọc một bài viết của một MC nổi tiếng, chị than thở chuyện những đứa trẻ ngày nay mặc nhiên coi việc nhà không phải việc của mình, trong khi ở thế hệ chị, 7, 8 tuổi đã thành thạo xách làn đi chợ, nấu cơm, xách nước cho bố mẹ và thốt lên “Tại sao chúng ta lại biến con mình thành công chúa, hoàng tử hết như vậy?”.
Nhiều người nói mỗi thời mỗi khác, không nên so sánh, tuy nhiên tôi luôn tin sẽ có những quan điểm nuôi dạy con không thay đổi theo thời gian, đó là dạy con yêu lao động, từ đó con nên người, biết quý trọng sức lao động của người khác.
Thúy Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm