Kinh tế

Nông nghiệp

Giá gỗ keo giảm mạnh, nông dân ngừng thu hoạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi đạt đỉnh 1,8 triệu đồng/tấn cách đây vài tháng, giá gỗ keo trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục giảm mạnh xuống mức 1,1-1,2 triệu đồng/tấn. Giá giảm nhưng tiền thuê nhân công thu hoạch và chi phí vận chuyển tăng nên người trồng keo ở huyện Kông Chro đã tạm ngưng thu hoạch để chờ giá lên cao.

Giá mua giảm mạnh

Từ năm 2017 đến nay, gia đình anh Đinh Hoạch (làng Blà, xã Đak Song) đầu tư trồng hơn 5,5 ha cây keo lai. Đầu năm 2023, khi gỗ keo có giá 1,8 triệu đồng/tấn, anh thu hoạch 8 sào trồng năm 2017, bán được gần 45 triệu đồng. Khấp khởi niềm vui, gia đình anh tập trung phát quang cây cỏ trong rừng trồng, dọn dẹp đường sá để thu hoạch nốt hơn 1 ha keo lai trồng năm 2018. Nhưng sau đó, giá thu mua gỗ keo liên tục giảm sâu nên việc thu hoạch phải tạm dừng.

Anh Hoạch bộc bạch: “Hợp với thổ nhưỡng ở đây nên cây keo lai sinh trưởng tốt lắm, cứ đúng chu kỳ 5 năm là cho thu hoạch. Hiện nay, tiền thuê nhân công thu hoạch là 220-240 ngàn đồng/tấn, chưa kể chi phí vận chuyển, trong khi giá bán chỉ khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/tấn nên nếu thu hoạch sẽ lỗ to. Gia đình mình đang tạm ngưng thu hoạch để chờ giá lên cao trở lại”.

Anh Đinh Hoạch tạm ngưng thu hoạch 1 ha keo lai trồng năm 2018 để chờ giá lên cao hơn. Ảnh: Thiên Di

Anh Đinh Hoạch tạm ngưng thu hoạch 1 ha keo lai trồng năm 2018 để chờ giá lên cao hơn. Ảnh: Thiên Di

Tương tự, ông Đinh Mưk (làng Kliếc, xã Đak Song) cũng đang chờ giá gỗ keo lai lên cao trở lại mới thu hoạch. Ông chia sẻ: “Nhà mình có hơn 1 ha keo lai trồng năm 2018. Trước Tết Nguyên đán 2023, giá gỗ keo cao ngất ngưởng, mình định bán luôn cả vườn cho người ta thu hoạch. Nhưng vì vườn của mình ở trên núi cao, đường khó đi, người ta bảo chờ. Mình đang định thu hoạch thì thấy giá liên tục giảm nên đành để lại”.

Ông Trịnh Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Song-thông tin: Toàn xã có hơn 1.000 ha rừng trồng từ năm 2017 đến nay, chủ yếu là keo lai, bạch đàn. Từ đầu năm 2023 đến nay, bà con đã thu hoạch hơn 43 ha, đem lại nguồn thu nhập khá. Hiện tại, giá thu mua gỗ keo giảm khoảng 500-600 ngàn đồng/tấn so với hồi đầu năm nên người dân trên địa bàn xã tạm ngưng việc thu hoạch rừng trồng.

Vận động người dân duy trì trồng rừng

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro, trên địa bàn hiện có hơn 5.000 ha rừng trồng của người dân. Diện tích rừng này được trồng từ năm 2017 đến nay. Những năm qua, việc trồng rừng đã tạo thêm sinh kế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân và góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc. Nhiều hộ dân có cuộc sống khấm khá hơn nhờ trồng rừng. Hiện nay, giá thu mua gỗ giảm nhưng người dân vẫn tin tưởng vào việc trồng rừng.

Anh Đinh Hoạch nói: “Trồng cây nào cũng vậy thôi, giá cả sẽ có lúc lên, lúc xuống. Nhưng nếu so với cây lúa thì trồng rừng cho thu nhập cao hơn. Như vừa rồi, sau khi trừ chi phí, nhà mình còn mấy chục triệu đồng gửi ngân hàng. Cây keo chưa thu hoạch thì vẫn tiếp tục chăm sóc, đến thời điểm phù hợp sẽ cắt bán. Mình cũng đang làm đất để chuẩn bị trồng mới 8 sào trên diện tích keo lai vừa thu hoạch”.

Còn ông Đinh Văn Bốp-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đak Song-cho hay: “Từ năm 2016 đến nay, tôi cùng mấy anh em trong nhà trồng hơn 10 ha cây keo, bạch đàn ở xã Đak Pling và Đak Song. Chúng tôi hợp tác với công ty lâm nghiệp, UBND xã để trồng. Không riêng chúng tôi, ở xã này có 70% hộ dân hợp tác trồng rừng từ năm 2017. Hai năm nay, với mức giá bán 1,2-1,8 triệu đồng/tấn, người dân có thu nhập khá cao. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Tuy mức giá bán ở thời điểm này xuống thấp nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục trồng rừng vì thu nhập mang lại cao hơn so với một số loại cây trồng khác”.

Thu hoạch keo lai ở xã Đak Sông (huyện Kông Chro). Ảnh: Thiên Di

Thu hoạch keo lai ở xã Đak Sông (huyện Kông Chro). Ảnh: Thiên Di

Ông Từ Tấn Lộc-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro-cho biết: Nguyên nhân giá thu mua gỗ keo, bạch đàn giảm là do sự điều tiết của thị trường. Có thể là do đầu năm khi giá cao, các doanh nghiệp mua được nhiều, xuất bán chưa kịp nên giai đoạn này giảm giá mua.

Chúng tôi đang triển khai vận động người dân không vì giá cả lên xuống một giai đoạn mà thôi trồng rừng mới. Bởi trồng rừng đang mang lại hiệu quả cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trên thực tế, diện tích người dân đăng ký trồng rừng năm nay vẫn không giảm. Đối với những diện tích đã thu hoạch, người dân đang làm đất, chờ thời tiết phù hợp để trồng lại rừng. Công ty cũng đã chuẩn bị nguồn cây giống để cung ứng cho bà con trồng mới.

Có thể bạn quan tâm