Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Gia Lai: 1 dự án vào vòng bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 7-7, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa công bố 135 dự án vào vòng bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023”, trong đó có dự án “Làng nghề đan lát truyền thống thanh niên” của chị Rơ Mah H’Dịu-Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023” được triển khai từ tháng 3 đến tháng 10-2023 với 3 vòng thi: vòng sơ khảo (Đi tìm ý tưởng, mô hình); vòng bán kết (Hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, xây dựng dự án); vòng chung kết toàn quốc.

Nội dung dự án về các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy tài nguyên bản địa thông qua trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị nông nghiệp; bảo vệ môi trường; bảo tồn văn hóa dân tộc…

Chị Rơ Mah H'Dịu (bìa phải) khởi nghiệp với dự án làng nghề đan lát truyền thống thanh niên. Ảnh: M.N

Chị Rơ Mah H'Dịu (bìa phải) khởi nghiệp với dự án làng nghề đan lát truyền thống thanh niên. Ảnh: M.N

Tại vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã nhận được 446 hồ sơ dự án của thanh niên đến từ 63 Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn trên cả nước. Sau khi chấm vòng sơ khảo, Ban giám khảo đã lựa chọn 135 dự án tham gia vòng bán kết cuộc thi.

Tham gia cuộc thi, tỉnh Gia Lai có 5 dự án nộp dự thi vòng sơ khảo. Trong đó, có 1 dự án lọt vào vòng bán kết cuộc thi của chị Rơ Mah H’Dịu-Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) với dự án “Làng nghề đan lát truyền thống thanh niên”. Mục tiêu của dự án là tạo công ăn việc làm cho đoàn viên, thanh niên ở địa phương; trang bị những kiến thức khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Xây dựng mô hình mẫu để thanh niên học hỏi nhân rộng mô hình kinh tế tại địa phương. Trước đó, dự án này của chị Rơ Mah H’Dịu đã đạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh Gia Lai lần thứ VI-năm 2022 do Tỉnh Đoàn tổ chức.

Tại vòng bán kết, các thí sinh sẽ được tập huấn các kỹ năng để khởi nghiệp trong nông nghiệp, tư vấn giải pháp công nghệ, môi trường, phát huy tài nguyên bản địa, hướng dẫn xây dựng dự án kinh doanh, hướng dẫn đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm bản địa; kỹ năng thuyết trình dự án. Các thí sinh hoàn thiện dự án và nộp về Ban tổ chức cuộc thi. Ban Giám khảo sẽ chọn 30 dự án xuất sắc nhất để tham gia vòng chung kết toàn quốc.

Cuộc thi được tổ chức nhằm cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nói chung; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên nông thôn nói riêng trong quá trình khởi nghiệp; nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển tài nguyên bản địa, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn văn hóa dân tộc, hình thành các sản phẩm đặc trưng, tham gia hiệu quả chương trình “mỗi xã một sản phẩm”.

Có thể bạn quan tâm