(GLO)- Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp siết chặt quản lý về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo ATVSLĐ thì phải tiếp tục nâng cao ý thức của người lao động và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp.
Từ năm 2016 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm Xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp về chính sách, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, ATVSLĐ. Ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Từ năm 2019 đến nay, Sở đã tổ chức 26 lớp huấn luyện, 8 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật lao động, ATVSLĐ cho hơn 700 người lao động của 80 doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ chuyên sâu cho 15 doanh nghiệp về xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ.
Bên cạnh đó, Sở Công thương phối hợp với 12 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho 47 lao động là nhân viên quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp...
“Riêng Tháng Hành động ATVSLĐ năm 2020, dù không tổ chức lễ phát động ra quân hưởng ứng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các hoạt động thông tin, tuyên truyền, thanh-kiểm tra cũng được đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo Tháng Hành động ATVSLĐ của tỉnh đã tổ chức kiểm tra, nắm tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ tại 16 doanh nghiệp có nguy cơ cao về ATVSLĐ như: sản xuất gạch, xi măng, đá granite, đá xây dựng, ván ép...”-ông Tùng thông tin thêm.
Cán bộ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Nhà máy Đường An Khê. Ảnh: Hà Tây |
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên nhận thức của chủ doanh nghiệp và người lao động đối với công tác ATVSLĐ chuyển biến tích cực. Theo báo cáo mới nhất của 108 doanh nghiệp, hầu hết đơn vị đã lập kế hoạch bảo hộ lao động với đầy đủ nội dung, phù hợp với điều kiện của đơn vị; tự kiểm tra cơ sở, các đội sản xuất. Tổng số lao động được khám sức khỏe định kỳ là 7.454 người, đạt 100%. Gần 8.000 lao động được bồi dưỡng bằng hiện vật với tổng chi phí hơn 1,2 tỷ đồng; 1.080 lao động được đơn vị tổ chức huấn luyện ATVSLĐ. Phương tiện bảo hộ lao động được thực hiện khá tốt...
Các doanh nghiệp còn phát động phong trào “Xanh-sạch-đẹp-bảo đảm ATVSLĐ”; tu sửa, bổ sung hệ thống thiết bị, biển báo chỉ dẫn an toàn; trồng cây xanh làm đẹp cơ quan, bảo vệ môi trường; động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể đạt nhiều thành tích…
Ông Trương Quốc Cường-Giám đốc Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai-cho hay: “Đơn vị chuyên sản xuất đá granite nên thường xuyên đối diện với nguy cơ mất an toàn cao. Công ty hiện có trên 100 công nhân trực tiếp khai thác và cưa đá làm thành phẩm. Dù mọi hoạt động đều vận hành bằng máy móc nhưng để đảm bảo an toàn, Công ty thường xuyên tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động. Cùng với đó, đơn vị trồng thêm cây xanh, mỗi bộ phận bố trí nhân công quét dọn, tạo môi trường làm việc xanh, sạch, an toàn. Nhờ đó, đơn vị đã hạn chế được nhiều nguy cơ tiềm ẩn về ATVSLĐ”.
Bên cạnh những mặt tích cực, công tác ATVSLĐ vẫn còn những tồn tại, bất cập. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức đầy đủ, chưa đầu tư kinh phí để triển khai các hoạt động về ATVSLĐ. Việc vi phạm quy định về ATVSLĐ còn khá phổ biến. Một số hóa chất độc hại chưa được quản lý chặt chẽ. Tình trạng cháy nổ trong sản xuất do bất cẩn vẫn còn xảy ra.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ tai nạn lao động, làm chết 6 người. Trong số hơn 5.200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 45% số đơn vị chấp hành tương đối tốt các quy định về ATVSLĐ. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ thực hiện mang tính đối phó, khi có đoàn kiểm tra tới mới thống kê, hoàn thiện hồ sơ và mua sắm một số dụng cụ.
Trao đổi với P.V, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: “Thời gian tới, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường thanh-kiểm tra về ATVSLĐ. Thường xuyên tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; yêu cầu, hướng dẫn người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, định kỳ thực hiện việc khảo sát, đo đạc các yếu tố có hại trong môi trường làm việc. Tổ chức ký cam kết thực hiện các mục tiêu cải thiện điều kiện lao động, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các đơn vị sử dụng lao động, tạo môi trường tốt cho người lao động làm việc”.
HÀ TÂY