Thời sự - Sự kiện

Gia Lai: Cảnh báo nguy cơ cháy, nổ do chập điện mùa mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Sáng 29-5, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã phối hợp với lực lượng Công an tại các địa phương tuyên truyền, cảnh báo người dân cần cẩn trọng với nguy cơ cháy, nổ mùa mưa bão.

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ cháy khiến 3 người chết, 1 người bị thương và thiệt hại tài sản hơn 1,9 tỷ đồng. Trong đó có 11 vụ xảy ra ở khu vực thành thị và 9 vụ ở địa bàn nông thôn. Hỏa hoạn xảy ra đơn lẻ chiếm nhiều nhất với 10 vụ.

Qua công tác điều tra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với Công an các địa phương làm rõ nguyên nhân của 8/20 vụ. Trong số 8 vụ này hầu hết đều liên quan tới nguồn điện. Cụ thể có 5 vụ do sự cố kỹ thuật của hệ thống, thiết bị điện, 1 vụ do sơ suất khi sử dụng thiết bị điện và 2 vụ sơ suất khi sử dụng nguồn nhiệt.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiến hành gia cố mái nhà cho người dân. Ảnh: Minh Thành

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiến hành gia cố mái nhà cho người dân. Ảnh: Minh Thành

Hiện Gia Lai đang trong cao điểm mùa mưa bão nên tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ do chập điện. Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, đây là khoảng thời gian mà các sự cố về điện, tai nạn điện có chiều hướng gia tăng so với các mùa khác trong năm do mùa mưa thường kèm theo các hình thái thời tiết cực đoan như sét đánh dễ gây ra tình trạng cháy, nổ gây hậu quả lớn. Thực tế ở một số địa phương trong tỉnh đã xảy ra tình trạng nhà bị tốc mái do mưa to, gió lớn khiến mất an toàn về điện. Đồng thời một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan cho rằng mùa mưa ít xảy ra cháy, nổ dẫn đến lơ là trong việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC.

Do đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo người dân không leo trèo lên cột điện hoặc vào trạm điện; không sử dụng thiết bị điện không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện an toàn; không dùng dây trần làm dây dẫn điện trong nhà; khi người hoặc chân tay bị ướt không được tiếp xúc với điện; các thiết bị điện bị ngấm nước, phải sấy khô mới được sử dụng….

Đặc biệt, với các khu dân cư, hộ gia đình, cần gia cố lại mái che, nhà ở, đốn những cây cối cao gần cạnh nhà để phòng gió, lốc xoáy làm đổ ngã; kiểm tra lại dây dẫn điện bên trong nhà và dây dẫn điện từ bên ngoài vào nhà để tránh gió, lốc xoáy làm đứt rơi xuống gây tai nạn hoặc chạm chập gây cháy.

Có thể bạn quan tâm