Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, tỉnh Gia Lai hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững.
Gia Lai có nhiều thứ "nhất" ở Tây Nguyên
Gia Lai là tỉnh có vị trí quan trọng của vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; có kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh của vùng Tây Nguyên với chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) năm 2021 đứng thứ 26 toàn quốc, tăng 12 bậc so với năm 2020.
Gia Lai có diện tích tự nhiên 1,551 triệu ha, lớn nhất vùng Tây Nguyên; dân số trên 1,52 triệu người (đứng thứ 2 Tây Nguyên) gồm 44 dân tộc anh em sinh sống.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,71% (cao nhất Tây Nguyên), giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 theo giá hiện hành đạt 49.602 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất nông, lâm nghiệp của tỉnh trên 1,40 triệu ha, chiếm 90,3% diện tích tự nhiên; tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2020 đạt 40,2%. Khoảng 21.600 ha mặt nước có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, nhất phát triển nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa thủy lợi, thủy điện…
Gia Lai có diện tích cà phê trên 98.400ha, sản lượng trên 257.000 tấn. Trong ảnh: Nông dân huyện Đắk Đoa, Gia Lai sơ chế cà phê. Ảnh: K.N |
Theo Bộ NNPTNT, Gia Lai hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững.
Trong đó, đáng chú ý, diện tích cà phê trên 98.400ha, sản lượng trên 257.000 tấn; cao su có diện tích khoảng 88.650ha, sản lượng trên 123.700 tấn; hồ tiêu có diện tích khoảng 13.700ha, sản lượng trên 49.500 tấn; điều có diện tích trên 21.300 ha, sản lượng khoảng 17.100 tấn.
Cây ăn quả các loại có diện tích trên 21.300 ha, với các loại cây ăn quả có chất lượng và giá trị kinh tế cao, đặc biệt như sầu riêng, bơ (trên 9.000ha, sản lượng 114.000 tấn, đứng đầu Tây Nguyên)...
Về chăn nuôi, Gia Lai có đàn trâu trên 14.000 con; bò trên 434.000 con (đứng thứ thứ nhất vùng Tây Nguyên); lợn trên 462.000 con, đàn gia cầm trên 4,0 triệu con. Bộ NNPTNT đánh giá, Gia Lai là tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt là đại gia súc...
Xây dựng Gia Lai thành điểm đến hấp dẫn
Ngày mai, 21/5, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai sẽ được tổ chức với kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Gia Lai.
|
Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, diện tích nuôi, trồng của Gia Lai vẫn chưa thực sự lớn; công nghệ canh tác, thu hoạch còn thủ công, lạc hậu. Chất lượng giống cây trồng vật nuôi chưa cao, công tác quản lý giống cây trồng chưa thực sự tốt, còn tình trạng buôn bán nguồn giống kém chất lượng. Khâu thu hoạch, chế biến chưa chưa phát triển, chủ yếu là sơ chế.
Chưa có sự kết nối tốt giữa người sản xuất, chế biến với tiêu dùng, đặc biệt là khâu sản xuất gắn với với phát triển du lịch - dịch vụ; công tác quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, mặc dù có tiềm năng rất lớn.
Nông dân xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ. Ảnh: K.N |
Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn những yếu kém và chưa đồng bộ; một số vùng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến nông sản…; công nghệ tưới tiết kiệm chưa phát triển đồng bộ, hiệu quả, mới tập trung chủ yếu ở các mô hình trình diễn, dẫn đến chí phí sản xuất cao.
Theo Bộ NNPTNT, để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tỉnh Gia Lai cần quan tâm chỉ đạo và có giải pháp mạnh để tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thống nhất đồng bộ, tích hợp các quy hoạch trên cùng địa bàn; trong đó đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và quy hoạch tỉnh.
Khẩn trương hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp, bàn giao các diện tích đất sử dụng kém hiệu quả cho địa phương quản lý, sử dụng.
Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu và hiện đại hoá nền nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn theo hướng nâng cao nhanh chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Đẩy mạnh khâu nghiên cứu, chọn tạo, nâng cao chất lượng giống cây trồng vật nuôi, đặc biệt cần chú ý phát triển những giống đặc sản, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý giống cây trồng, vật nuôi.
Đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp công nghệ cao; sản xuất nông lâm nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch - dịch vụ theo nhiều phương thức đa dạng (theo Đề án Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thông mới). Phát triển nhanh, mạnh thương mại điện tử, kết nối gần hơn giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Bộ NNPTNT cho rằng, bên cạnh thực hiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư do Trung ương han hành; tỉnh Gia Lai cần chủ động xây dựng, thực thi các chính sách ưu đãi, khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào khâu trồng trọt, thu hoạch, chế biến sâu các mặt hàng nông sản, nhằm nâng cao năng suất, giá trị, sức cạnh tranh.
Xây dựng, quảng bá hình ảnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách trong nước và quốc tế.
Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ NNPTNT quản lý, đã đầu tư trên địa bàn tỉnh 7 công trình, dự án bao gồm 03 dự án chuyển tiếp và 04 dự án khởi công mới với tổng mức 2.402 tỷ đồng.
Tiêu biểu là dự án đầu tư xây dựng hoàn thành Hồ chứa nước Ia Mơr trên địa bàn 02 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Hiện nay đang tiếp tục triển khai đầu tư hệ thống kênh chính Đông, kênh chính Tây có nhiệm vụ cấp nước tưới 14.437 ha đất canh tác, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt khoảng 50.000 người với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ NNPTNT quản lý dự kiến thực hiện 04 dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
|
Theo K.Nguyên (Dân Việt)