Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Gia Lai: “Đánh thức” tiềm năng phát triển kinh tế đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế đêm như: dân số trẻ, sở hữu nét văn hóa-nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, thời tiết ban đêm dễ chịu... Trên cơ sở đó, các địa phương đang đề xuất những mô hình phát triển kinh tế đêm phù hợp, hấp dẫn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đề xuất nhiều mô hình hấp dẫn

Là đô thị trung tâm của tỉnh, TP. Pleiku đang tập trung khai thác lợi thế để tạo đột phá về phát triển kinh tế-xã hội. Theo ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND thành phố: Pleiku đang thúc đẩy phát triển du lịch, tận dụng những cơ hội mới để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, thành phố tập trung phát triển các lĩnh vực như: dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống, mua sắm… Việc đầu tư cho các hoạt động kinh tế đêm sẽ góp phần đáng kể vào chiến lược phát triển này.

“Ngày 21-4-2023, UBND TP. Pleiku đã ban hành Kế hoạch số 1230/KH-UBND về phát triển kinh tế đêm. Giai đoạn đầu (2023-2024), thành phố sẽ triển khai một số mô hình cụ thể trên cơ sở quy hoạch, định hướng, có lộ trình, bảo đảm nguồn lực thực hiện. Theo đó, dự kiến có 3 mô hình được xây dựng phương án đầu tư trong giai đoạn này gồm: phố đi bộ tại tuyến đường Phùng Hưng; chợ đêm tại tuyến đường dọc suối Hội Phú; phố ẩm thực ban đêm tại khu vực bến xe nhỏ, đường Nguyễn Thiện Thuật (phường Diên Hồng) sau khi di dời chợ rau củ quả và bến xe nhỏ đi nơi khác”-ông Hưng cho biết.

Một góc tuyến đường dọc suối Hội Phú-nơi TP. Pleiku dự kiến triển khai chợ đêm. Ảnh: H.D

Một góc tuyến đường dọc suối Hội Phú-nơi TP. Pleiku dự kiến triển khai chợ đêm. Ảnh: H.D

Cũng theo Chủ tịch UBND TP. Pleiku, đường Phùng Hưng vốn tập trung nhiều hàng quán nổi tiếng, lại thông suốt đến suối Hội Phú, đoạn đường cũng ngắn nên thích hợp làm phố đi bộ. Khu vực bờ kè suối Hội Phú hiện cũng là địa điểm thu hút nhiều sự chú ý của người dân. Hiện tại, nơi đây cũng đã có nhiều hàng quán, không gian rộng rãi, thích hợp làm chợ đêm. Bến xe nhỏ và khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật thì lâu nay đã là phố ẩm thực tự phát, sau này sẽ được sắp xếp, đầu tư lại bài bản hơn, sạch sẽ hơn.

Sau năm 2024, thành phố tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình, phương án phát triển kinh tế đêm trên diện rộng. Thành phố cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn triển khai các nhiệm vụ, thủ tục cần thiết để sớm đưa các mô hình này vào hoạt động.

Là cửa ngõ của Tây Nguyên, cũng là vùng động lực phía Đông của tỉnh, thị xã An Khê xác định phát triển du lịch là mũi nhọn kinh tế của địa phương. Thời gian qua, tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có, thị xã An Khê đã triển khai các chương trình phát triển du lịch, đồng thời tạo môi trường thân thiện để thu hút du khách. Phát triển kinh tế đêm cũng là một trong những giải pháp quan trọng mà An Khê đề ra để thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của thị xã.

Đường Nguyễn Công Trứ (thị xã An Khê)-nơi dự kiến sẽ phát triển kinh tế đêm với hoạt động chính là mua sắm, buôn bán, ẩm thực. Ảnh: Ngọc Minh

Đường Nguyễn Công Trứ (thị xã An Khê)-nơi dự kiến sẽ phát triển kinh tế đêm với hoạt động chính là mua sắm, buôn bán, ẩm thực. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Đặng Quốc Hoài Huy-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê-thông tin: “Thị xã đã đề xuất 5 địa điểm xây dựng, phát triển kinh tế đêm với hoạt động chính là mua sắm, buôn bán, ẩm thực gồm: đường Lê Hồng Phong-đoạn từ đường Quang Trung đến đường Nguyễn Trãi (khu vực Hoa viên Quang Trung); đường Nguyễn Công Trứ (khu vực trước và trong sân vận động thị xã); đường Trần Hưng Đạo (khu vực dọc bờ kè sông Ba); khu vực phía Tây bờ đập Bến Tuyết; khu vực chợ An Tân. Tất cả những địa điểm này đều đã có cơ sở hạ tầng đồng bộ về giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc và rất gần với các cơ sở lưu trú”.

Huyện biên giới Đức Cơ cũng đang triển khai nhiều giải pháp để khai thác tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế. Chủ tịch UBND huyện Vũ Mạnh Định cho hay: “Ngày 17-7-2023, UBND huyện có Công văn số 1271/UBND-KT đề xuất một số địa điểm trên địa bàn thị trấn Chư Ty để triển khai các mô hình kinh tế đêm gồm: tuyến phố đêm dọc đường Trần Phú-đoạn từ đường Quang Trung đến Phan Đình Phùng; khu phố ban đêm tại đoạn giao nhau giữa đường Nguyễn Văn Linh và đường Lý Thái Tổ; tuyến phố đêm dọc đường Hoàng Văn Thụ-đoạn từ đường Quang Trung đến đường Anh Hùng Núp”.

Đoạn giao nhau giữa đường Nguyễn Văn Linh và đường Lý Thái Tổ (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) là địa điểm dự kiến xây dựng thành khu phố ban đêm. Ảnh: Hà Duy

Đoạn giao nhau giữa đường Nguyễn Văn Linh và đường Lý Thái Tổ (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) là địa điểm dự kiến xây dựng thành khu phố ban đêm. Ảnh: Hà Duy

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư: Đến nay, 9 huyện, thị xã, thành phố đã đề xuất phương án, mô hình triển khai kinh tế đêm, hầu hết đều phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị và đáp ứng đủ các tiêu chí để tổ chức khu vực. Riêng 7 huyện gồm: Kông Chro, Ia Grai, Chư Prông, Krông Pa, Ia Pa, Chư Pưh và Đak Pơ chưa có nhu cầu đề xuất địa điểm phát triển kinh tế đêm.

Xây dựng nền kinh tế 24 giờ

Kinh tế đêm là những hoạt động thương mại-dịch vụ-văn hóa như: vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm... Các hoạt động này trực tiếp phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân địa phương, khách du lịch và thường xuyên diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau. Việc đầu tư cho các hoạt động ban đêm có thể tạo ra nền kinh tế 24 giờ phát triển. Nhiều du khách đến Gia Lai đều cho rằng: Tỉnh có khí hậu mát mẻ, có nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, đến 9-10 giờ tối, hầu hết các nơi đã rơi vào tĩnh lặng, chìm vào giấc ngủ.

Anh Lê Anh Quân-du khách đến từ Hà Nội-bày tỏ: “Tôi biết đến Gia Lai từ đội bóng Hoàng Anh Gia Lai, biết đến Pleiku qua bài hát “Đôi mắt Pleiku”. Tôi đã một lần đến Gia Lai cách đây 5 năm và mới quay lại lần nữa nhân Tuần Văn hóa-Du lịch 2023. Cảm nhận của tôi là Gia Lai nói chung, TP. Pleiku nói riêng vẫn còn khá lặng lẽ, người dân đi ngủ sớm, buổi tối ít có địa điểm vui chơi, giải trí. Bạn bè tôi là người nước ngoài rất thích thời gian ban đêm. Họ cho rằng đây là khoảng thời gian thú vị nhất khi ít xe cộ ồn ào, có thể ngắm cuộc sống về đêm. Chưa kể, nhiều người bị lệch múi giờ, có lúc lệch đến 12 tiếng đồng hồ nên họ không thể đi ngủ sớm. Lúc này, họ cần có không gian để vui chơi, giải trí. Gia Lai muốn phát triển du lịch, tôi nghĩ không nên bỏ qua vấn đề này”.

Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: Cuối năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2700/KH-UBND về phát triển kinh tế đêm trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đặt mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Trong đó, giai đoạn 2022-2023 sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, khai thác khu vực phục vụ kinh tế đêm tại TP. Pleiku, trọng tâm tại khu vực suối Hội Phú.

Từ năm 2024 đến 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai đầu tư, khai thác, kinh doanh hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế đêm tại TP. Pleiku sẽ hình thành các khu vực phát triển kinh tế đêm tại thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Chư Sê và một số địa điểm thuận lợi ở các địa phương khác. Sau năm 2025 sẽ phát triển kinh tế đêm tại các địa phương trên toàn tỉnh.

Theo Kế hoạch số 1230/KH-UBND của UBND TP. Pleiku về phát triển kinh tế đêm, khu phố ẩm thực sẽ được xây dựng tại khu vực bến xe nhỏ và đường Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh: Ngọc Thu

Theo Kế hoạch số 1230/KH-UBND của UBND TP. Pleiku về phát triển kinh tế đêm, khu phố ẩm thực sẽ được xây dựng tại khu vực bến xe nhỏ và đường Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh: Ngọc Thu

“Phát triển kinh tế đêm tại TP. Pleiku là phương án đầu tiên của tỉnh, là cơ sở để đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai tại các huyện, thị xã. Hiện TP. Pleiku đang khẩn trương xây dựng và hoàn thành phương án phát triển kinh tế đêm. Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm cũng đang được các sở, ban, ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh. Việc kích thích tiêu dùng ban đêm sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm, từ đó, các công ty du lịch sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách, có các chương trình du lịch dài ngày hơn. Một khi du khách ở lại dài ngày hơn, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn. Nếu làm tốt, chắc chắn kinh tế đêm sẽ vừa là động lực kinh tế, vừa là động lực văn hóa, giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng công suất hữu dụng và giúp cả giảm áp lực cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải”-ông Đinh Hữu Hòa nhận định.

Có thể bạn quan tâm