(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 37.000 xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp với khoảng 11.000 người có nhu cầu đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng A4. Tuy nhiên, Sở Giao thông-Vận tải mới chỉ cấp, quản lý 132 GPLX hạng A4. Nguyên nhân là bởi công tác đào tạo, sát hạch để cấp GPLX hạng A4 đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
Người dân “sợ” máy tính
Ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GT-VT) cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho người điều khiển xe máy kéo nhỏ được đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4, Sở đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi, phương tiện, bổ sung và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Tháng 6-2016, Sở GT-VT đã cấp giấy phép đào tạo lái xe hạng A4 cho 2 đơn vị là Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai) và Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe (Công ty TNHH Vận tải ô tô Gia Lai). Đồng thời, Sở cũng có văn bản và làm việc trực tiếp với một số huyện, thị xã, các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh về tuyên truyền, vận động người dân đăng ký đào tạo, sát hạch để cấp GPLX hạng A4. Tuy nhiên, số người dân đăng ký đào tạo, sát hạch còn rất thấp so với nhu cầu thực tế.
Tổ chức thi sát hạch lái xe hạng A4 tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe. Ảnh: N.T |
Qua thống kê, khảo sát từ các cơ sở đào tạo, địa phương thì số lượng người dân có nhu cầu đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4 chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ông Phạm Xuân Bảo-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe-cho biết: Trong quá trình tuyển sinh đào tạo lái xe hạng A4 thì số lượng học viên người dân tộc thiểu số đăng ký chiếm trên 64%. Đa số học viên có điều kiện kinh tế khó khăn, không đủ tiền đóng học phí để hoàn thành chương trình học (tổng chi phí cho đào tạo, ôn luyện, sát hạch, cấp GPLX là trên 2 triệu đồng). Bên cạnh đó, hình thức thi sát hạch lý thuyết phải thực hiện trên máy tính, trong khi rất nhiều học viên chưa bao giờ nhìn thấy hoặc được sử dụng máy vi tính. Vì vậy, số học viên không tự tin tham gia sát hạch chiếm tỷ lệ rất cao so với danh sách đăng ký sát hạch. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm mới mở được 1 khóa đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4 với 40 học viên tham gia nhưng kết thúc khóa có 37 học viên bỏ không tham gia thi sát hạch về lý thuyết vì phải thực hiện trên máy tính. Đây được xem là “nút thắt” cần tháo gỡ của các ngành chức năng.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Theo tìm hiểu của P.V, hiện nay, một số người đã đăng ký đào tạo, thi sát hạch cấp GPLX hạng A4 nhưng việc tuyển sinh đủ học viên để mở lớp rất khó khăn. Có rất nhiều người dân e ngại thi sát hạch lý thuyết trên máy vi tính. Anh Rơ Lan Tham (làng Sung Le 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) chia sẻ: Mình cũng từng nghe việc đi học để được cấp GPLX hạng A4 nhưng rất khó đạt về phần sát hạch lý thuyết vì phải thi trên máy tính. Nếu có chủ trương thay đổi một số nội dung cho phù hợp về phần sát hạch lý thuyết, nhất là đối với người dân tộc thiểu số thì mình đăng ký học ngay để hiểu được các quy định của pháp luật trong điều khiển phương tiện, có GPLX.
Thi sát hạch lái xe hạng A4 tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe. Ảnh: N.T |
Theo ông Tăng Xuân Kiên, để giải quyết khó khăn trên, năm 2017, Sở GT-VT cùng với Công an tỉnh, Vụ An toàn giao thông (Bộ GT-VT) và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức hội thảo về công tác quản lý hoạt động máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Hội thảo đã đánh giá, làm rõ nhiều nội dung về thực trạng hoạt động, công tác quản lý xe máy kéo nhỏ, đặc biệt là những khó khăn trong công tác tổ chức thi sát hạch cấp GPLX hạng A4. Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất với Bộ GT-VT nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT theo hướng giảm thời gian đào tạo lái xe hạng A4 (theo quy định hiện nay là 80 giờ), đồng thời cho phép địa phương ban hành chương trình đào tạo riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp được sát hạch lý thuyết theo hình thức vấn đáp.
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai ngày 21-8-2018, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đã có ý kiến về việc nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT theo hướng giảm thời gian đào tạo lái xe và cho phép địa phương ban hành chương trình đào tạo, sát hạch riêng cho hạng A4 đối với đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp để phù hợp với tình hình thực tế. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp thu, đưa vào dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 14-4-2017 của Bộ GT-VT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Hữu Dũng-Phó Giám đốc Sở GT-VT-cho biết: “Việc đào tạo, thi sát hạch cấp GPLX hạng A4 cho người dân là vấn đề cần thiết, cấp bách. Vấn đề đào tạo, sát hạch cũng được Sở đề xuất lên cơ quan cấp trên với mục đích tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để phổ cập kiến thức giao thông đối với người điều khiển phương tiện loại này. Thời gian tới, để tổ chức được lớp đào tạo, thi sát hạch cấp GPLX hạng A4 rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia đăng ký đào tạo, thi sát hạch. Từ đó góp phần hạn chế, kéo giảm các vụ tai nạn và va chạm giao thông liên quan đến xe công nông”.
Nguyễn Tú - Ngọc Sang