(GLO)- Ngày 12-8, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn.
Theo đó, Kế hoạch đặt nhiệm vụ đến hết năm 2025, toàn tỉnh trồng 40 triệu cây xanh. Trong đó: hoàn thành nhiệm vụ trồng mới thành công 8 triệu cây xanh phân tán, tương đương 8.000 ha (bình quân 1,6 triệu cây xanh/năm) và trồng 32.000 ha rừng trồng tập trung, tương đương 32 triệu cây xanh (bình quân 6.400 ha/năm, tương đương 6,4 triệu cây xanh) trong rừng phòng hộ, sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Đoàn viên, thanh niên Huyện Đoàn Chư Păh trồng cây xanh tại Công viên thị trấn Ia Ly. Ảnh: Phan Lài |
Cùng với đó, quan tâm trồng cây xanh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, ở cả khu vực đô thị và nông thôn nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, góp phần xây dựng nông thôn xanh-sạch-đẹp và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch bao gồm: Ngân sách nhà nước; các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng theo quy định của pháp luật.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư trồng rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất thuộc dự án các Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2021-2025, gồm ngân sách Trung ương là 49,05 tỷ đồng, ngân sách địa phương bổ sung phần kinh phí còn thiếu theo thiết kế, dự toán để đầu tư trồng 700 ha rừng phòng hộ với kinh phí 25,2 tỷ đồng.
Ngân sách trung ương cấp thực hiện trồng rừng đặc dụng 50 ha với kinh phí 4,3 tỷ đồng. Nguồn vốn trồng rừng thay thế 334 ha với kinh phí 21,44 tỷ đồng.
Vốn dịch vụ môi trường rừng 2 tỷ đồng. Hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ hỗ trợ 400 triệu đồng cho các địa phương trên địa bàn tỉnh để tổ chức trồng cây phân tán.
Phần vốn còn lại để thực hiện chương trình là 2.502 tỷ đồng sẽ thực hiện việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa (vốn doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân...) đầu tư trồng rừng.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tự cân đối kinh phí (từ nguồn ngân sách, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn huy động hợp pháp khác …) để tổ chức trồng và chăm sóc cây trồng phân tán, đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao. Doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân chủ động bố trí kinh phí đầu tư trồng rừng sản xuất.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu việc thực hiện yêu cầu phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp Nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng. Đảm bảo mỗi người dân hàng năm trồng ít nhất 1 cây xanh.
PHƯƠNG VI