Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ bước vào vụ ép mía đường 2010-2011. Các chính sách về đầu tư cho vùng nguyên liệu, cơ giới hóa các khâu sản xuất mía cũng như việc xây dựng lịch chặt mía và quy trình mua mía khoa học, hợp lý sẽ đảm bảo sự gắn kết giữa nông dân với nhà máy khi mùa ép tới…
Kết thúc niên vụ ép 2009-2010, vùng nguyên liệu mía đường khu vực Đông Nam tỉnh đạt 4.100 ha, chủ yếu trên địa bàn các huyện: Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Diện tích này đảm bảo cho nhà máy đường của Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai “chạy” ổn định công suất 1.800 tấn mía/ngày trong vòng hơn 5 tháng. Tuy nhiên, cuối vụ ép, Công ty thường xảy ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, thương lái và các nhà máy đường trong khu vực tranh mua nguyên liệu, nông dân tranh nhau lịch chặt mía vì bị thúc bách bởi tình trạng mía cháy…
Để giải quyết bài toán cố hữu đó, vùng nguyên liệu mía đường Đông Nam tỉnh đã được quy hoạch lên 9.000 ha trên cơ sở mở rộng diện tích đất trồng mía ở các huyện Phú Thiện và Ia Pa; phát triển thêm một phần trên vùng đất của thị xã Ayun Pa và huyện Chư Sê, Krông Pa. Đây là một giải pháp dài hơi nằm trong kế hoạch nâng công suất nhà máy đường lên 3.500 tấn/ngày.
Ảnh: Đ.P |
Vụ mía 2010-2011, hơn 3.000 hộ trồng mía khu vực Đông Nam tỉnh đã được Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai đầu tư 42 tỷ đồng để chăm sóc cho ruộng mía của mình. Trong đó, người trồng mía được tạm ứng với định mức 18 triệu đồng/ha mía trồng mới (các hộ có nhu cầu sẽ được đầu tư thêm 3 triệu đồng bằng phân bón vi sinh do Công ty sản xuất) và 12 triệu đồng/ha chăm sóc. Hơn 3.000 hộ trồng mía khu vực Đông Nam tỉnh đã được ứng trước số tiền này để đầu tư chăm sóc cho ruộng mía của mình.
Ngoài ra, “Công ty còn hỗ trợ nông dân cơ giới hóa khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch mía”- ông Nguyễn Văn Nam ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa)- cho biết. Trong hai vụ gần đây, Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai đã trang bị 10 dàn máy trồng mía và máy cày đời mới tổng trị giá trên 10 tỷ đồng giao cho các hộ nông dân tự quản lý, khai thác và chịu trách nhiệm trả góp cho nhà máy theo thỏa thuận; trang bị thêm máy làm cỏ và bón phân; 2 máy thu hoạch mía.
Bên cạnh đó, việc đưa các giống mía có năng suất và chữ đường cao vào sản xuất cũng là một bước đi chiến lược giúp ổn định vùng nguyên liệu. Đầu niên vụ, Công ty phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã trong khu vực triển khai 7 loại giống mía năng suất, chất lượng cao như: K84-200, KK2, K95-85, LK82… thành giống chủ lực, chiếm hầu hết diện tích vùng nguyên liệu. Trong đó, các giống như K84-200, KK2… đã ổn định trên đồng ruộng với năng suất vượt trội (ở xã Ia Sol, Ia Peng và Pờ Tó năng suất đạt trên 100 tấn mía/ha) và đạt chất lượng 10 chữ đường. Nhờ đó, niên vụ 2009-2010 vừa qua mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 9 và 11 nhưng tính chung toàn vùng vẫn đạt năng suất mía trên 60 tấn/ha. Năm nay dù ít mưa nhưng “dự tính năng suất mía sẽ không thấp hơn năm ngoái”-ông Từ Công Vinh, ở tổ 1 phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa nhận định.
Ảnh: Đức Thanh |
Trước thềm vụ ép, nỗi lo về tình trạng mía cháy cũng sẽ được giải quyết. Công ty đã lên kế hoạch hỗ trợ nông dân làm đường ranh cản lửa giữa các ruộng mía, đồng thời mua mía với giá tối đa đối với số mía đã chặt sớm để làm đường ranh cản lửa. Đây là giải pháp khá hiệu quả đã được kiểm chứng từ cuối vụ ép trước.
Để hỗ trợ nông dân thu hoạch mía, Công ty đã xuất ngân sách hơn 700 triệu đồng để sửa chữa đường nội đồng tạo điều kiện cho xe chuyên chở mía thuận tiện. Công ty vẫn đảm bảo mua mía theo giá tại ruộng và đã hợp đồng với trên 120 xe tải để chuyên chở mía cho nông dân. Lịch chặt mía đã lên sẵn và thông báo đến các hộ dân từ trước, và nhắc nhở 1 tuần trước khi chặt mía để chủ mía chuẩn bị nhân công…
Chính sách hỗ trợ nông dân kịp thời sẽ đảm bảo lợi ích lâu dài cho người trồng mía và nhà máy; đồng thời là căn cứ để nông dân gắn bó với nhà máy, ổn định vùng nguyên liệu mía trong khu vực.
Đức Phương