Xã hội

Gia đình

Ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Gia Lai: Đẩy lùi hủ tục trong hôn nhân vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Gia Lai đã được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi.

Thành công trong đẩy lùi hôn nhân cận huyết thống

Em Siu H'Trơn (buôn Suối Cẩm, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) dù năm nay đã 10 tuổi nhưng cũng chỉ biết nằm bất động trên giường. Cha mẹ em đã chia tay sau khi biết lựa chọn của mình là sai lầm và mỗi người đều đã xây dựng tổ ấm mới. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Nay Hem phải gồng mình chăm đứa cháu ngoại tội nghiệp. Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, ông Hem lại không kìm được nước mắt.

Ngày ấy, ông còn là cán bộ xã Chư Drăng. Khi biết chuyện tình cảm của con gái lớn với con trai chị gái ruột mình, ông đã ra sức ngăn cản. Nhưng càng cấm cản, đôi trẻ càng quyết tâm đến với nhau. Ông Hem cũng vì vậy mà xin từ chức, bởi “mình là cán bộ mà gia đình không làm gương thì còn ai nghe mình nói nữa”.

Và mọi lo lắng đã thành sự thật đau xót khi đứa cháu ngoại chào đời. H'Trơn là một bé gái xinh xắn, cặp mắt tròn xoe, đen láy nhưng lại chẳng khóc, chẳng cười. Mặc dù gia đình đã cố gắng chạy chữa nhiều nơi nhưng HTrơn chẳng khá hơn. Giờ đây, khi đã 10 tuổi, H'Trơn gầy gò như một đứa bé lên 5, ai cho gì ăn nấy, không cảm xúc. Thương con, thương cháu, ông Hem buộc con gái mình phải ly dị chồng để nỗi đau không lặp lại lần nữa.

“Mừng vì chúng đã nghe lời mình và đi tìm hạnh phúc khác. Nhưng lo lắng nhất là tuổi mình đã cao, chẳng biết chăm cháu được bao lâu nữa. Chỉ mong bà con thấy mà làm gương, không mắc phải sai lầm tương tự”-ông Hem ngậm ngùi.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành xung quanh việc thực hiện các quy định của pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết vùng DTTS. Ảnh: L.N

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành xung quanh việc thực hiện các quy định của pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết vùng DTTS. Ảnh: L.N

Thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức cho người dân, quyết tâm đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Theo báo cáo mới nhất của đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về việc thực hiện quy định của pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS năm 2021, toàn tỉnh chỉ còn 2 cặp kết hôn cận huyết (chiếm 0,02% so với tổng số cặp kết hôn). Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận so với con số 88 cặp theo số liệu khảo sát của Ban Dân vận Tỉnh ủy từ năm 2015 đến tháng 8-2017.

Động lực để giải quyết nạn tảo hôn

Trao đổi với P.V, ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh-nhận định: Thành công trong việc đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống cho thấy sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Điều này còn khẳng định hiệu quả của công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân để từ đó chủ động thay đổi hành vi, từ bỏ những hủ tục trong cộng đồng. Đây là tiền đề, là động lực để tiếp tục đẩy lùi tiến tới chấm dứt hoàn toàn nạn tảo hôn trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo số liệu từ đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, từ ngày 1-1-2021 đến 31-5-2023, toàn tỉnh có 2.224 cặp tảo hôn, trong đó có 2.185 cặp tảo hôn là người DTTS (chiếm 98,25%). Theo đánh giá của đoàn giám sát, tỷ lệ tảo hôn trong vùng DTTS ở mức cao và chưa có xu hướng giảm, đặc biệt tăng mạnh năm 2022 (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, học sinh nghỉ học kéo dài). Tình trạng tảo hôn không những ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thực hiện các chính sách xã hội khác như: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng…

Nhiều nhóm giải pháp đã được đề xuất nhằm tiến tới đẩy lùi nạn tảo hôn, bao gồm: tiếp tục tăng cường và đổi mới phương pháp tuyên truyền việc thực hiện quy định của pháp luật giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng DTTS trên các phương tiện thông tin đại chúng; nhân rộng và nâng cao hiệu quả mô hình điểm tại các huyện có tỷ lệ tảo hôn cao.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp, quản lý con em giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những trường hợp có nguy cơ tảo hôn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước.

Với nỗ lực và quyết tâm đó, mục tiêu giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với vùng DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao theo đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II) của UBND tỉnh là hoàn toàn có cơ sở, là đích đến không xa.

Có thể bạn quan tâm