Đô thị

Không gian sống

Gia Lai đẩy mạnh phong trào "Chống rác thải nhựa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phong trào “Chống rác thải nhựa” sau khi phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh Gia Lai. Qua đó, thói quen hạn chế sử dụng túi ni lông, nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong mỗi tổ chức, cá nhân đã từng bước hình thành.
Mạnh tay với sản phẩm nhựa dùng 1 lần
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phát động và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, các huyện, thị xã, thành phố... cùng chung tay thực hiện; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Qua đó, kêu gọi, vận động cộng đồng cùng “Nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần”, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, sở, ngành... đều đã tích cực hưởng ứng bằng việc sử dụng chai nước thủy tinh hoặc rót nước ra ly thủy tinh thay cho chai nước nhựa dùng 1 lần trong các cuộc họp.
Siêu thị Co.op Mart Pleiku khuyến khích khách hàng đi chợ dùng túi bảo vệ môi trường bằng việc cộng điểm nhằm giảm bớt việc sử dụng túi ni lông. Ảnh: P.D
Siêu thị Co.op Mart Pleiku khuyến khích khách hàng đi chợ dùng túi bảo vệ môi trường bằng việc cộng điểm nhằm giảm bớt việc sử dụng túi ni lông. Ảnh: P.D
Bà Lưu Thị Tâm-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ia Grai-cho biết: Hội vừa phối hợp với Phòng TN-MT huyện ra mắt mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông và không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần” tại các xã: Ia Pếch, Ia Sao và thị trấn Ia Kha. Tại đây, Hội đã tặng 173 giỏ nhựa, 346 hộp nhựa để các hội viên sử dụng khi đi chợ thay cho túi ni lông. Bên cạnh đó, Hội cũng vận động và tổ chức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia thu gom túi ni lông, chai nhựa tại các khu vực công cộng. “Thời gian tới, Hội sẽ nhân rộng mô hình này ở 13/13 cơ sở Hội nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên và khuyến khích hội viên sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường”-bà Tâm cho biết thêm. Không riêng Hội LHPN huyện Ia Grai mà phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được Hội LHPN tỉnh triển khai đồng loạt đến các cấp Hội. Đến nay, một số cơ sở Hội đã thành lập được các câu lạc bộ, mô hình như: “Nói không với túi ni lông”, “Quầy hàng sản phẩm an toàn”, “Phụ nữ thân thiện với môi trường”...
Để hưởng ứng phong trào, Tỉnh Đoàn cũng đã ban hành công văn “Triển khai một số nội dung trọng tâm chương trình bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu năm 2019” nhằm hướng dẫn các tổ chức Đoàn tuyên truyền đến 100% đoàn viên, thanh niên để phát huy vai trò xung kích tình nguyện tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; phát huy hiệu quả các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm về bảo vệ môi trường và triển khai nhiều hoạt động, như: “Thách thức để thay đổi-Chung tay bảo vệ môi trường”, “Ngày chủ nhật xanh”... Qua đó, đông đảo đoàn viên, thanh niên đã tham gia thu gom rác thải, xóa các “điểm đen” về môi trường tại các khu vực công cộng. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn cũng đã quán triệt việc sử dụng ly nước bằng thủy tinh thay cho các chai nước khoáng bằng nhựa sử dụng 1 lần trong các hội nghị. Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn-cho hay: “Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2019-2022”. Đây là đề án quan trọng nhằm tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò của tuổi trẻ trong tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là phong trào chống rác thải nhựa”.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã quán triệt đến tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác giáo dục cho bộ đội để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Đồng thời, cấm mọi quân nhân tự động mua chai nước nhựa, túi ni lông đưa vào cơ quan, đơn vị; rác thải sinh hoạt hàng ngày phải tổ chức thu gom, phân loại để xử lý, tiêu hủy đúng nơi quy định, không gây ô nhiễm môi trường. “Mới đây, đơn vị đã mua một loạt chai, ly thủy tinh để thay thế cho chai nhựa, ly nhựa. Tại các phòng, ban, những bình nước lớn bằng nhựa cũng được thay thế bằng bình inox”-Đại tá Huỳnh Việt Dũng-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-thông tin.
Hướng đến sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường
Siêu thị Co.op Mart Pleiku là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”. Chị Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ Marketing-Dịch vụ khách hàng (Siêu thị Co.op Mart Pleiku) cho hay: Từ tháng 5 đến nay, Siêu thị không kinh doanh các sản phẩm nhựa dùng 1 lần mà thay bằng các sản phẩm được làm từ bã mía, giấy thân thiện với môi trường. Riêng trong tháng 6, Siêu thị đã tặng hơn 1.000 túi bảo vệ môi trường cho khách hàng và khuyến khích khách hàng mang theo túi khi quay trở lại mua sắm tại Siêu thị để được tích lũy điểm...
Rau gói bằng lá chuối tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Ảnh: H.T
Rau gói bằng lá chuối tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Ảnh: H.T

Bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT): “Thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, Sở TN-MT đã có nhiều văn bản tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố phát động, kêu gọi, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện. Đến nay, Sở đã nhận được 10 bản đăng ký thực hiện và 11 kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh đã tổ chức 47 đợt tập huấn, tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, phong trào chống rác thải nhựa và ra quân thu gom, xử lý được hơn 2.000 tấn rác thải, bao gồm túi ni lông, chai nhựa và một số loại rác thải khác”.


Đặc biệt, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng. Hiểu được tác hại của rác thải nhựa, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh-giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai đã từng bước chuyển sang sử dụng đồ thủy tinh hoặc các sản phẩm nhựa an toàn trong sinh hoạt hàng ngày. Vốn có nghề tay trái là làm các món bánh truyền thống nên trước đây, mỗi tháng, chị Linh sử dụng 50-70 hộp nhựa và 100 túi ni lông để đựng bánh tặng cho người thân, bạn bè hoặc giao cho khách. Từ khi có phong trào “Chống rác thải nhựa”, chị đã thay hộp nhựa, túi ni lông bằng túi giấy. “Mình sẽ tiếp tục vận động người thân, bạn bè, học sinh, sinh viên, đồng nghiệp hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần để góp phần bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe bản thân”-chị Linh chia sẻ.
Tương tự, chị Trần Thị Hiền (thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ) cũng đã vận động người thân giảm dần việc sử dụng các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày. Khi đi chợ, chị Hiền luôn xách theo chiếc giỏ để không phải sử dụng túi ni lông như trước. Chị nói: “Trước đây, mỗi ngày gia đình tôi thải ra môi trường ít nhất 5 túi ni lông. Nhưng từ khi sử dụng giỏ nhựa, tôi gần như không phải sử dụng đến túi ni lông. Tôi hy vọng mọi người sẽ dần thay đổi thói quen và cũng mong có nhiều cơ sở bán các túi xách thân thiện với môi trường để thay thế túi ni lông”.
Có thể nói, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã lan tỏa mạnh mẽ. Mỗi tổ chức, cá nhân có những mô hình, cách thức hoạt động khác nhau, song đã phần nào truyền đi các thông điệp về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy. Từ đó có những hành động thiết thực trong việc giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.
ANH HUY-HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm