Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mục tiêu nâng cao đời sống hội viên, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, các cấp Hội Nông dân tại Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp đưa phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đi vào chiều sâu.

Dám nghĩ, dám làm

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh có 106.095 hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Qua bình xét, có 67.254 hội viên đạt danh hiệu này ở các cấp. Đáng chú ý, nhiều hội viên dám nghĩ, dám làm, chủ động thay đổi cung cách sản xuất để đất cằn “nở hoa”.

Hơn 10 năm trước, ông Phan Quốc Trưởng (thôn Nam Hà, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để chuyển đổi 9 sào mì sang trồng cây chùm ruột. Vì chùm ruột là cây trồng mới nên vợ chồng ông thường xuyên truy cập internet tham khảo quy trình trồng, chăm sóc để áp dụng vào thực tế. “Bình quân 2,5 tháng, cây chùm ruột cho thu hoạch 1 đợt quả. Bên cạnh đó, gia đình đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi 5 con heo nái, gần 40 con heo thịt theo mô hình khép kín.

Toàn bộ nguồn phân chuồng được đưa vào hầm xử lý, sau đó qua các bể lọc, theo hệ thống ống nhỏ giọt tưới trực tiếp vào từng gốc chùm ruột. Được cung cấp đủ nước, đủ dinh dưỡng, 200 cây chùm ruột của gia đình phát triển tốt, cho năng suất hơn 30 tấn quả/năm (giá bán 10-12 ngàn đồng/kg). Mỗi năm, gia đình thu về gần 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện tại, gia đình đang đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến”-ông Trưởng cho hay.

Ông Rô Khen (thôn 1, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) chia sẻ với người dân kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây điều cao sản. Ảnh: Nguyễn Trang

Ông Rô Khen (thôn 1, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) chia sẻ với người dân kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây điều cao sản. Ảnh: Nguyễn Trang

Cũng với tính cần cù, chịu khó, gia đình ông Rô Khen (thôn 1, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) trở thành triệu phú nhờ canh tác 23 ha đất sản xuất. Ông Khen kể: “3 ha đầu tiên, gia đình tôi khai hoang vào năm 1980, chủ yếu trồng lúa. Sau đó thì khai hoang thêm 5 sào để trồng mì. Những năm tiếp theo, vợ chồng tôi dành dụm mua thêm đất, mở rộng diện tích canh tác. Đã có lúc gia đình tôi sở hữu gần 30 ha đất và hơn 50 con bò”.

Đất rộng lại phân tán nhiều nơi, ông Khen quyết định bán bớt, chỉ giữ lại 23 ha để trồng lúa (3 ha) và điều, mì. Ông cũng bán đàn bò và chỉ giữ lại 7 con để nuôi rẽ. “Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu khoảng 600 triệu đồng. Điều đáng mừng là gia đình đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”-ông Khen nói.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, nhiều hội viên nông dân còn là thành viên tích cực trong các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, nông hội, hợp tác xã để giúp nhau cùng phát triển.

Ông Hà Đăng Thuận-Chủ nhiệm Nông hội sầu riêng Ia Pếch (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cho biết: “Nông hội có 70 thành viên với tổng diện tích sầu riêng hơn 100 ha. Chúng tôi duy trì sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong trồng trọt, chăm sóc sầu riêng, hỗ trợ vốn vay, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Về phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, ông Y Khâm-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-khẳng định: Hàng năm, Hội đều xác định các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu. Đặc biệt, theo Quy định số 181-QĐ/HDNTW ngày 20-2-2024 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thì tiêu chuẩn xét hộ nông dân đạt sản xuất kinh doanh giỏi cao hơn so với trước.

Vì vậy, thời gian tới, Hội tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản, phối hợp tổ chức các hội chợ, phiên chợ triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp cho nông dân; phối hợp hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông sản, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông sản, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm...

Nhiều nông dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: P.D

Nhiều nông dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: P.D

Hội nông dân các huyện, thị xã, thành phố cũng chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân. Bà Siu HLer-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Prông-cho biết: Năm 2024, Hội thay đổi hình thức giao ban định kỳ ngay tại cơ sở kết hợp với tham quan, trao đổi kinh nghiệm ngay tại các mô hình kinh tế hiệu quả. Đầu tháng 3, Hội đã tổ chức giao ban định kỳ tại xã Ia Me, kết hợp tham quan mô hình chăn nuôi bò, dê và trồng sầu riêng của hội viên nông dân trong xã.

Cùng với đó, Hội Nông dân các xã, thị trấn và Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cũng chủ động tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn; tham quan mô hình trồng trọt, chăn nuôi, tạo điều kiện để cán bộ, hội viên nông dân học tập, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Còn bà Nguyễn Thị Đam-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện thì thông tin: Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đến từng cơ sở Hội. Mục đích của việc phát động phong trào nhằm khơi gợi, động viên, khích lệ hội viên nông dân hăng say thi đua lao động sản xuất kinh doanh, chung tay xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội huyện.

Nói về định hướng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Y Khâm nhấn mạnh: Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu từ 67.254 hộ hội viên nông dân trở lên trong tổng số 102.243 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; có 11.078 hội viên trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; phối hợp tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới khoảng 17 hợp tác xã, 34 tổ hợp tác trở lên; chủ trì, phối hợp tư vấn, hỗ trợ nông dân kiến thức về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản cho 20.000 lượt hội viên nông dân; hỗ trợ ít nhất 1.700 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho 800 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Có thể bạn quan tâm