Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Gia Lai: Đôi bạn trẻ đam mê nông nghiệp sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quê ở miền Bắc, lại đang có việc làm ổn định nhưng kiến trúc sư Phạm Minh Đồng (SN 1988) và Thạc sĩ Hồ Minh Ngọc (SN 1983) vẫn quyết định bỏ lại tất cả để vào Gia Lai theo đuổi niềm đam mê nông nghiệp sạch. Thời gian qua, ngoài việc tư vấn cho nông dân về canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, họ còn tích cực đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao về Gia Lai.

Kết thân vì cùng đam mê

Trong một lần về công tác tại xã Yang Trung (huyện Kông Chro), tôi tình cờ gặp Phạm Minh Đồng và Hồ Minh Ngọc đang tư vấn cho một gia đình về lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, tôi bắt chuyện với 2 anh. Đồng cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp THPT, Đồng thi vào Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ra trường, anh ở lại thủ đô làm việc. Năm 2014, trong một lần vào Gia Lai chơi, Đồng thấy tiềm năng đất đai phong phú nhưng trình độ canh tác nông nghiệp của người dân còn hạn chế. Vốn rất đam mê nông nghiệp hữu cơ, Đồng quyết định bỏ việc để vào Gia Lai khởi nghiệp trong lĩnh vực này, bất chấp sự can ngăn, châm chọc của bạn bè.

 

Anh Hồ Minh Ngọc (phải) đang tư vấn cho bà con về cách sử dụng các loại phân bón hữu cơ.                                 Ảnh: H.Đ.T
Anh Hồ Minh Ngọc (phải) đang tư vấn cho bà con về cách sử dụng các loại phân bón hữu cơ. Ảnh: H.Đ.T

Quen nhau qua mạng xã hội facebook, lại có cùng đam mê nên khi Đồng rủ lên Gia Lai, Thạc sĩ Hồ Minh Ngọc-giảng viên Trường Đại học Nông-Lâm TP. Hồ Chí Minh, cũng quyết định nghỉ việc để theo bạn. Thời gian đầu, 2 anh xin vào làm việc ở một công ty chuyên trồng rừng ở huyện Ia Grai. Ngoài việc chăm sóc và quản lý diện tích rừng trồng được giao, thời gian rảnh rỗi, Đồng và Ngọc tranh thủ đến các gia đình trên địa bàn để tìm hiểu, tư vấn về cách chăm sóc cây trồng, sử dụng phân bón hữu cơ.

Ngọc chia sẻ: Sử dụng phân bón hữu cơ là một trong những yêu cầu để phát triển nông nghiệp nước ta hiện nay, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập, vấn đề đảm bảo chất lượng nông sản luôn được quan tâm hàng đầu. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cho cây trồng sẽ đem đến chất lượng và sự an toàn, bền vững cho nông sản, giúp nông sản đạt chuẩn xuất khẩu cũng như nâng tầm thương hiệu trên thị trường. Khi dùng phân bón hữu cơ, đất có khả năng giữ ẩm tốt hơn nên cũng tăng khả năng tránh hạn. Chất hữu cơ lại có khả năng đệm tốt nên giữ cho độ pH của đất ít thay đổi, có khả năng giữ các chất khoáng do bón phân vào tốt hơn để rồi cung cấp dần dần lại cho rễ cây phát triển.

Mong muốn thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân

Ngoài việc tư vấn về phân bón hữu cơ, thời gian qua, thông qua sự kết nối với các bạn bè cùng đam mê nông nghiệp sạch, Ngọc và Đồng đã đưa các loại giống cây mới có năng suất và giá trị về cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có cây mít trái dài Malaysia. Mỗi quả mít giống này dài hơn 1 m. Đây cũng là giống mít rất dễ trồng, quả nhiều múi, ít xơ, hạt nhỏ, ăn giòn và rất thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Cây sau khi trồng 2 năm sẽ cho trái, năng suất rất cao. Đến nay, Đồng và Ngọc đã nhập và cung cấp cho nông dân trên địa bàn tỉnh khoảng 10.000 cây giống mít dài Malaysia.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của PHẠM MINH ĐỒNG và HỒ MINH NGỌC:

* Kiên trì theo đuổi đam mê của mình.
* Tận dụng những tiện ích của mạng xã hội để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
* Chủ động tìm đầu ra sản phẩm.

Với mong muốn giúp bà con nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ sức khỏe bản thân và môi trường thông qua việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ, đầu năm 2018, Ngọc và Đồng quyết định thành lập một chi nhánh của Công ty cổ phần Công nghệ Nông nghiệp Hữu cơ Toàn Cầu tại Gia Lai. Khi thành lập chi nhánh này, điều 2 anh muốn là có thêm điều kiện giúp người dân mua các loại phân bón đúng chất lượng với giá thành thấp nhất. Đồng thời, 2 anh cũng đang đi tìm các đối tác uy tín để nhập chanh dây về cung cấp cho nông dân. Nếu trồng chanh dây theo phương pháp hữu cơ thì giá trị sản phẩm vừa cao, vừa không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chanh dây trồng theo phương pháp hữu cơ có thể xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu và giá trị cao gấp đôi so với thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Ngọc và Đồng còn tìm các đối tác để giúp bà con trên địa bàn tỉnh tiêu thụ nông sản sạch.

Khi hỏi 2 bạn vì sao lại bỏ công việc có thu nhập ổn định để vào Gia Lai khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, Đồng và Ngọc cùng chia sẻ, hiện nay, tình trạng sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc tăng trưởng trên cây trồng diễn ra tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng cũng như môi trường sống. Vì vậy, họ muốn làm một cái gì đấy giúp bà con nông dân có cái nhìn mới hơn về nông nghiệp sạch, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nước ta.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm