Thời sự - Sự kiện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế:

Gia Lai đổi mới trong phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Mặc dù tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến không có điểm nóng, song số vụ việc được phát hiện xử lý ở một số tuyến, địa bàn trọng điểm cho thấy còn tiềm ẩn phức tạp.

Sáng 18-1, tại TP. Pleiku, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế-Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.

Nhiều phương thức, thủ đoạn nổi lên

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Gia Lai (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), trong năm 2023, các lực lượng chức năng là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 2.422 vụ/2.139 đối tượng vi phạm, khởi tố 42 vụ/68 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 1.955 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 50 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số đối tượng vi phạm, số vụ xử phạt vi phạm hành chính tuy giảm nhưng tăng 2 chỉ số là số vụ khởi tố hình sự và số thu nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, vi phạm tập trung chủ yếu là chất ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, thuốc bảo vệ thực vật, lâm sản, động vật rừng, khoáng sản, xăng dầu, thuốc lá điện tử, hàng điện tử, các sản phẩm thời trang, đồ chơi trẻ em, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư y tế, vật tư nông nghiệp, nông sản, hàng gia dụng…

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: V.T
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: V.T

Hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm; buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa diễn ra ở hầu hết các thời điểm, không theo quy luật và có chiều hướng gia tăng trên tuyến biên giới; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; kinh doanh không niêm yết giá; gian lận về thuế, vi phạm về giá diễn ra; hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok… để quảng cáo, kinh doanh, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra ở hầu hết các khu vực thành thị và có xu hướng ngày càng tăng ở khu vực nông thôn.

Các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn như chia nhỏ, xé lẻ, cất giấu hàng hóa vi phạm trong các phương tiện xuất nhập cảnh, trong các loại hàng hóa xuất nhập khẩu...; vận chuyển hàng hóa vi phạm vào thời gian cao điểm; hợp thức hóa hàng lậu bằng các hóa đơn bán hàng không đúng thực tế; sử dụng hóa đơn khống; cất giấu hàng hóa vi phạm tại nơi ở, khi người tiêu dùng có nhu cầu mua mới đưa ra bán; không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ sản xuất, kinh doanh hoặc đặt sản xuất hàng hóa ở nước ngoài, gắn các nhãn hiệu có chứng nhận trong nước hoặc trà trộn một phần hàng giả với hàng thật đưa về vùng nông thôn, vùng đồng bào, vùng sâu, vùng xa tiêu thụ nhằm thu lợi bất chính.

Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Trong số 16 vụ kiểm tra liên quan thương mại điện tử của năm 2023 thì đã có 15 vụ vi phạm; xử phạt 14 vụ với số tiền 432 triệu đồng; chuyển 1 vụ cho cơ quan điều tra xem xét khởi tố. Hành vi chủ yếu là buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu…

Cục QLTT Gia Lai sẽ tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Ảnh: V.T
Cục QLTT Gia Lai sẽ tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Ảnh: V.T

Theo đánh giá tình hình trên tuyến biên giới, các đối tượng thường lợi dụng địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, mối quan hệ thân tộc đồng bào hai bên biên giới và chính sách mua bán, trao đổi để khai thác, vận chuyển, tập kết, tàng trữ lâm sản bất hợp pháp; sử dụng giấy tờ giả, mua lại các bộ hồ sơ nguồn gốc gỗ đã qua sử dụng để hợp thức hóa lâm sản bất hợp pháp; lợi dụng đêm tối nơi hẻo lánh, ít người để vận chuyển hoặc trà trộn hàng cấm, hàng lậu vào các mặt hàng nhu yếu phẩm, hoặc cất giấu ở khoang để hành lý trong các xe vận tải hành khách để buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm là ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại… qua biên giới.

Đại tá Trần Thanh Bình-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Tình hình hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới chủ yếu là các mặt hàng nông sản, phân bón, vật tư nông nghiệp, các mặt hàng thiết yếu trong nhân dân. Các hoạt động của tội phạm pháp luật liên quan buôn lậu hàng cấm tập trung ở 3 tuyến biên giới, nhưng chủ yếu là ở Đức Cơ. Trong đó các mặt hàng nổi lên gồm thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, thuốc lá, bia rượu nước ngọt. Bên cạnh đó, còn có hoạt động mua bán nhỏ lẻ trái phép chất ma túy của các đối tượng ở hai bên biên giới, chủ yếu là heroin và ma túy tổng hợp. Ngoài ra, việc vận chuyển hàng lậu qua biên giới chủ yếu vẫn là pháo nổ, hoạt động này gần như không theo quy luật như trước đây nữa mà ngay từ quý I đã có và hoạt động cho đến nay. Ngoài ra, các hoạt động khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra khu vực địa bàn biên giới, hoạt động khai thác vàng có yếu tố của người nước ngoài… vẫn còn diễn ra phức tạp”.

Chú trọng kiểm soát các mặt hàng trọng điểm

Ông Đinh Văn Hà cho biết, trong năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường sẽ kiểm tra mạnh về mảng an toàn thực phẩm, kiểm tra đối với những mặt hàng trọng điểm để quản lý tốt hơn như xăng dầu, khí hóa lỏng, nhập khẩu rượu và thuốc lá. Thời điểm này, Cục Quản lý thị trường đang triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhằm đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt. Cục sẽ tăng cường công tác trinh sát, phối hợp hiệu quả, nắm chắc địa bàn, tuyến đường trọng điểm, khu vực biên giới, cửa khẩu, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà kho, bến bãi, nơi tập kết hàng giả, hàng lậu quy mô lớn… nắm rõ phương thức, thủ đoạn, làm rõ các đối tượng tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, đánh trúng trọng tâm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm vận chuyển hàng lậu, hoạt động gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, đặc biệt các mặt hàng như: gỗ, thuốc lá điếu nhập lậu, rượu ngoại, pháo, sữa, phân bón, xăng dầu, gas, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, xa xỉ phẩm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế-Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.T
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế-Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.T

Đánh giá tình hình và chỉ đạo công tác triển khai nhiệm vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho rằng, sự nỗ lực của các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 trong triển khai nhiệm vụ năm 2023 đã tạo sự chuyển biến trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với các lĩnh vực, mặt hàng nóng trong năm như xăng dầu, phân bón... Để triển khai nhiệm vụ trong năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường công tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất-kinh doanh, có biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng, sản xuất. Các ngành thành viên bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh triển khai có trọng tâm, trọng điểm; chủ động nắm chắc, dự báo sát và đúng với tình hình thực tế tại địa bàn quản lý; xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, nhóm mặt hàng, địa bàn phụ trách, quản lý. Cần đổi mới công tác phối hợp giữa các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho phù hợp với diễn biến tình hình mới; tăng cường công tác giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới, các ngành cần cần tăng cường phối hợp với các nước bạn trong công tác phòng-chống buôn lậu xuyên biên giới. Các ngành liên quan triển khai công việc tạo điều kiện hỗ trợ các cửa hàng xăng dầu trong việc áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu; nắm bắt tình hình hoạt động các doanh nghiệp có tham gia xuất khẩu hàng hóa để kiểm soát việc nộp thuế. Cần đổi mới phương thức hoạt động thanh tra, kiểm tra, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động gian lận thương mại và hàng giả trong kinh doanh trên môi trường Internet. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, những vấn đề, lĩnh vực phức tạp, nổi cộm để tham mưu Trưởng ban ban hành văn bản chỉ đạo; cần thiết tham mưu Trưởng ban thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra một số lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm; chủ động theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán đối với các mặt hàng thực phẩm, thuốc lá, bia rượu, pháo nổ, mỹ phẩm… trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đảm bảo cho người dân đón một cái Tết an toàn, tươi vui.

Có thể bạn quan tâm