Gia Lai: Giảm thiểu tai nạn lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức nhiều hội thảo, hội thi, tập huấn, thanh-kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nên số vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giảm đáng kể.
Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ Lao động tỉnh Gia Lai-cho biết: Kết thúc Tháng Hành động về ATVSLĐ (tháng 5-2018), các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đã làm rất tốt công tác phối hợp tuyên truyền. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã treo 1.750 băng rôn, phát 7.000 tờ rơi và các ấn phẩm sách tuyên truyền cho người lao động, tổ chức 25 cuộc mít tinh về công tác ATVSLĐ; 20 đơn vị, doanh nghiệp tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ và cuộc thi an toàn vệ sinh viên giỏi. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp còn tổ chức 12 hội thảo chuyên đề về Luật ATVSLĐ 2015; triển lãm các hoạt động về ATVSLĐ tại 6 doanh nghiệp.
 Biểu dương các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Ảnh: Đ.Y
Biểu dương các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Ảnh: Đ.Y
Cũng theo bà Trần Thị Hoài Thanh, Hội đồng Bảo hộ Lao động tỉnh còn tổ chức tập huấn cho trên 250 cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực ATVSLĐ các cấp và trên 300 chủ sử dụng lao động, cán bộ Công đoàn của các doanh nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã. Riêng các doanh nghiệp cũng đã mở 51 lớp huấn luyện cho 6.400 lao động tham gia. Bên cạnh đó, nhân Tháng Hành động ATVSLĐ, Hội đồng còn đến thăm, tặng quà cho 50 lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp nhằm động viên, an ủi các gia đình nạn nhân. “Đây cũng là dịp để nhắc nhở trách nhiệm của các doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc nâng cao ý thức đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động”-bà Trần Thị Hoài Thanh chia sẻ.
Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, phân xưởng, tổ sản xuất. Đây là một trong những nhiệm vụ bắt buộc nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn lao động đáng tiếc”.

Là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, Công ty Thủy điện Ia Ly rất coi trọng  mục tiêu đảm bảo an toàn cho người lao động. Hàng năm, Công ty luôn trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện bảo hộ lao động... Nhờ đó, nhiều năm qua, Công ty chưa để xảy ra vụ tai nạn lao động đáng tiếc nào.

“Xác định công tác ATVSLĐ có vai trò quan trọng trong việc duy trì sản xuất hiệu quả, Công ty đã thành lập Hội đồng Bảo hộ Lao động gồm 8 thành viên. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên gồm 34 người, có quy chế hoạt động cụ thể, thực hiện đúng các quy định trong quy trình an toàn điện, góp phần hạn chế thấp nhất sự cố thiết bị do vi phạm quy trình an toàn điện hoặc tai nạn lao động xảy ra. Môi trường làm việc luôn được duy trì tốt bằng việc trồng cây xanh quanh khu sản xuất và khu văn phòng làm việc. Hàng năm, Công ty hợp đồng với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên kiểm tra môi trường lao động tại các nhà máy, nếu phát hiện yếu tố có hại trong sản xuất vượt tiêu chuẩn cho phép thì lập tức đưa ra biện pháp cải thiện và ngăn ngừa”-ông Nguyễn Văn Bình-Chủ tịch Công đoàn Công ty Thủy điện Ia Ly-cho biết.
Từ sự cố một công nhân vi phạm quy định ATVSLĐ, không đội mũ lọc khí khi xuống bể lắng bùn hồi lưu thuộc hệ thống xử lý nước thải của nhà máy dẫn đến tử vong do ngạt khí, ngạt nước vào giữa năm 2015, Nhà máy Đường An Khê luôn nghiêm ngặt thực hiện quy định về ATVSLĐ. Ông Châu Ngọc Dũng-chuyên viên Phòng Hành chính Nhà máy Đường An Khê-thông tin: “Vào vụ ép mía mới, Nhà máy lại tổ chức tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động về chấp hành nội quy và yêu cầu nghiêm ngặt khi tham gia vận hành máy móc. Nhà máy thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên gồm 40 người, chia đều cho 3 ca sản xuất; đưa công tác ATVSLĐ vào chỉ tiêu quan trọng xét hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong năm. Nhờ vậy, người lao động chấp hành tốt và rất có ý thức trong thực hiện công tác ATVSLĐ”. 
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn lao động làm 2 người bị thương, 2 người chết, giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại như: nhận thức về ATVSLĐ ở một số địa phương, người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế; công tác tập huấn, trang bị kiến thức về ATVSLĐ chưa thường xuyên; tỉnh ta chưa có cơ sở đủ điều kiện để khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp; điều kiện nhà xưởng, máy móc, thiết bị tại một số doanh nghiệp chưa đảm bảo an toàn lao động. Bên cạnh đó, hàng năm, tỷ lệ doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra thấp nên nhiều đơn vị vi phạm chưa bị phát hiện, xử lý... Đặc biệt, công tác kiểm định các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, cũng như việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ định kỳ cho người lao động theo quy định chưa được thực hiện nghiêm. 
Bà Trần Thị Hoài Thanh lưu ý: Nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động là việc làm quan trọng nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước. Các chủ sử dụng lao động cần trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và bắt buộc người lao động sử dụng phương tiện đã trang bị theo quy định để giảm thiểu các mối nguy hiểm, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc tốt sức khỏe.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm