Gia Lai: Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, công tác bảo trợ, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở Gia Lai nỗ lực thực hiện. Từ đó, cuộc sống của người khuyết tật từng bước được cải thiện, nhiều người tích cực tham gia hoạt động xã hội và vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Theo thống kê của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, toàn tỉnh hiện có 13.563 người khuyết tật. Từ năm 2015 đến nay, các đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp đã ủng hộ với số tiền và hiện vật hơn 8,2 tỷ đồng nhằm giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn cải thiện cuộc sống. 
Bị sốt bại liệt khi mới lên 3 tuổi với di chứng teo cơ, liệt chân, anh Nguyễn Xuân Quang (thôn An Thuận, xã Cư An, huyện Đak Pơ) rất khó khăn để hòa nhập cuộc sống. Dù vậy, anh vẫn cố gắng học hết lớp 11. Sau đó, anh được Hội giới thiệu học nghề may. Nhờ sự nỗ lực và đam mê với nghề, đến nay, anh đã mở được tiệm may tại nhà, cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều.
Anh Quang tâm sự: “Những người khuyết tật đừng ngại khó khăn và đừng sợ mình bị bỏ rơi, bởi xung quanh vẫn còn rất nhiều người hỗ trợ. Cũng đừng bao giờ ngừng phấn đấu, vì chỉ có phấn đấu vươn lên mới giúp ta vượt qua số phận, trở thành người có ích cho xã hội”. Cũng theo anh Quang, ngoài việc dành dụm mua được một số vật dụng sinh hoạt, anh còn phụ giúp gia đình xây dựng ngôi nhà khang trang.
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Hà Phương
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Hà Phương
Bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng thì ý chí chính là “bệ phóng” để người khuyết tật tự tin vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống. Trường hợp của ông Phan Quốc Cán (57 tuổi, tổ 6, thị trấn Chư Prông) là một ví dụ. Tuy bị suy giảm 71% khả năng lao động nhưng ông đã tích cực trồng cà phê, hồ tiêu và chăn nuôi. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ vậy, vợ chồng ông xây được ngôi nhà khang trang, nuôi dạy 2 con ăn học đến nơi đến chốn. Ngoài việc chăm lo cuộc sống gia đình, ông còn tích cực tham gia hoạt động của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tại địa phương.
Theo bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, thời gian tới, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt việc lồng ghép các chính sách, mục tiêu giúp đỡ, chăm sóc và tạo điều kiện cho người khuyết tật trong các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.
“Chúng tôi mong rằng, các đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân”, chia sẻ bằng cách đóng góp ủy hộ quỹ Hội, hỗ trợ sinh kế, đỡ đầu, trợ giúp trực tiếp và lâu dài cho những người khuyết tật”-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nói. 
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm