Gia Lai: Gỡ "nút thắt" trong quản lý phương tiện thủy nội địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai phối hợp với Chi cục Đăng kiểm số 4 (Cục Đăng kiểm Việt Nam), Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ia Grai vừa kiểm tra tình trạng kỹ thuật, điều kiện phương tiện để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm lần đầu cho 37 phương tiện thủy nội địa của người dân 2 xã Ia Khai và Ia O. Điều này đã giúp tháo gỡ “nút thắt” trong quản lý phương tiện thủy nội địa.
Nở rộ tàu, thuyền tự phát
Ông Trịnh Bá Hoa-Bí thư Đảng ủy xã Ia Khai-cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 30 tàu, thuyền cỡ lớn của người dân đang hoạt động. Ngoài ra, còn có nhiều phương tiện thủy nội địa loại nhỏ như: đò, thuyền đánh cá… Đây là các phương tiện được người dân mua sắm tự phát, đa số là của đồng bào Jrai. Bà con sử dụng để chở người đi làm rẫy ở sâu trong lòng hồ thủy điện hoặc vận chuyển nông sản. Cá biệt, có một số tàu, thuyền làm dịch vụ vận chuyển người, xe ô tô, xe máy… qua địa bàn tỉnh Kon Tum.
“Hàng năm, xã đều tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân lưu thông bằng loại phương tiện này cần cẩn trọng, phải mặc áo phao khi ngồi trên tàu, thuyền nhưng không nhiều người chấp hành”-ông Hoa nêu thực tế.
Tại các bến đò tự phát ở xã Ia Khai, phổ biến là các loại tàu vỏ sắt có giá trị khoảng 140 triệu đồng, có thể chở hàng chục người kèm theo xe máy, thậm chí cả ô tô con. Cá biệt, có 1 tàu lớn trị giá khoảng 300 triệu đồng, có thể chở được ô tô tải. Đây đều là tàu hoạt động dịch vụ vận tải.
Theo tìm hiểu của P.V, nếu đi qua khu vực nương rẫy lân cận, người dân phải trả khoảng 10.000 đồng/người/lượt, 50.000 đồng/xe máy/lượt, 100.000 đồng/ô tô/lượt. Nếu vận chuyển qua các bến đò thuộc địa phận tỉnh Kon Tum, mức giá tăng gấp đôi. Chủ các phương tiện này cũng nhận chở du khách tham quan thác Mơ (xã Ia Khai) với mức giá trọn gói 1-1,5 triệu đồng/ngày. 
Có mặt tại bến đò làng Nú (xã Ia Khai), chúng tôi chứng kiến nhiều tàu rời bến sau khi đón khách, có cả xe máy và ô tô bán tải. Theo ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở GT-VT), điều này rất nguy hiểm vì thực tế các phương tiện trên chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp phép đủ điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy; nhất là khi người lái chưa đảm bảo điều kiện vận hành phương tiện.
Đo đạc xác định các chỉ số kỹ thuật của phương tiện tàu vỏ sắt tại bến đò làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ảnh: Lê Hòa
Đo đạc xác định các chỉ số kỹ thuật của phương tiện tàu vỏ sắt tại bến đò làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ảnh: Lê Hòa
Anh Ksor Chang (SN 1998, trú tại làng Nú)-chủ 1 tàu vỏ sắt hoạt động tại bến đò-cho biết: “Sau khi thu hoạch vụ điều được 40 triệu đồng, mình vay mượn 100 triệu đồng nữa để mua tàu chở khách qua lòng hồ, kiếm thêm thu nhập. Anh em trong làng bày cho cách lái tàu”.
Tương tự, anh Siu Phih (SN 1981, trú tại làng Yom, xã Ia Khai) cũng cho thuê vườn cao su kinh doanh của gia đình để lấy 150 triệu đồng mua tàu chở khách trên lòng hồ Thủy điện Sê San. “Thấy mọi người sắm tàu chở khách có thu nhập khá nên mình mua theo. Ở đây có cả chục hộ làm như vậy”-anh Phih nói.
Cấp phép để quản lý phương tiện thủy nội địa
Hiện có đến hàng trăm phương tiện thủy nội địa được người dân 3 xã: Ia Khai, Ia O và Ia Grăng sử dụng để đi lại, vận chuyển người và nông sản, đánh bắt cá… Ông Nguyễn Đức Thừa-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ia Grai-cho biết: Người dân mua sắm phương tiện thủy nội địa để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất. Trên địa bàn cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn phương tiện thủy nội địa, gây thiệt hại về người hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của bà con.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GT-VT có biện pháp xử lý triệt để, đưa phương tiện thủy nội địa tại khu vực lòng hồ thủy điện ở Ia Grai vào quản lý. Tuy nhiên, xuất phát từ việc mua sắm tự phát của người dân, hạ tầng giao thông đường thủy tại khu vực lòng hồ chưa được quy hoạch cụ thể nên việc định hình các yếu tố làm cơ sở để quản lý như: công bố luồng tuyến, bến bãi… gặp nhiều khó khăn. Hầu hết phương tiện thủy nội địa không đáp ứng được các tiêu chuẩn để đăng kiểm phương tiện.
Ông Đoàn Quang Huy-Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4 trực tiếp kiểm tra, đo đạc để làm thủ tục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Hòa
Ông Đoàn Quang Huy-Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4 trực tiếp kiểm tra, đo đạc để làm thủ tục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Hòa
Để tháo gỡ khó khăn đó, Chi cục Đăng kiểm số 4 đã hỗ trợ xây dựng 4 mẫu thiết kế cơ bản cho các phương tiện thủy nội địa tại huyện Ia Grai. Các mẫu này đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt. Vừa qua, cán bộ Chi cục Đăng kiểm số 4 và Sở GT-VT đã tiến hành kiểm tra, đo đạc thực tế các phương tiện thủy nội địa của người dân để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận đăng kiểm lần đầu.
Ông Đoàn Quang Huy-Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4-thông tin: “Qua kết quả đợt kiểm tra, phần lớn phương tiện nằm trong dải công suất từ 16 đến 30 mã lực. Bước đầu đã có một số phương tiện thủy nội địa đáp ứng yêu cầu đăng kiểm và có thể được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm lần đầu”.
Cũng theo ông Huy, qua đợt khảo sát lần này, Chi cục tiếp tục ghi nhận nhiều phương tiện tàu vỏ sắt khác được người dân tự đóng nằm ngoài dải mẫu thiết kế. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thêm các mẫu khác để trình Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt thì mới có thể thực hiện đăng kiểm triệt để phương tiện.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm