Thời sự - Sự kiện

Gia Lai: Gỡ vướng để giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)-Tính đến ngày 31-7, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai mới chỉ đạt 18,13% kế hoạch. Bởi vậy, tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

-

Giải ngân đạt thấp

Năm 2023, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước giao cho tỉnh là 4.461,193 tỷ đồng. Tính đến ngày 12-6, nguồn vốn đã phân bổ là hơn 4.209 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương là 2.029 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là 2.180,361 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương đầu tư theo ngành, lĩnh vực giao 1.077,2 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giao là 362 tỷ đồng; vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia giao 739,49 tỷ đồng). Còn vốn kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 đã giao 447,263 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương 209,175 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương 238,1 tỷ đồng). Số vốn hiện chưa phân bổ là gần 139 tỷ đồng.

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã thành lập 3 tổ công tác kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã tổ chức họp bàn giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý nhà nước về vật liệu đất san lấp phục vụ các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; ban hành văn bản chỉ đạo khẩn trương phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.

Gia Lai triển khai các giải pháp gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai triển khai các giải pháp gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Hà Duy

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở KH-ĐT, tính đến ngày 31-7, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 mới chỉ 763,083 tỷ đồng, đạt 18,13% kế hoạch vốn đã giao. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân 575,345 tỷ đồng, đạt 28,36% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân 187,738 tỷ đồng, đạt 8,61% kế hoạch (trong đó, vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 68,225 tỷ đồng, đạt 9,23% kế hoạch; vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực giải ngân 108,817 tỷ đồng, đạt 10,1% kế hoạch; vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giải ngân 10,7 tỷ đồng, đạt 2,95%).

Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết thêm: “Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh chậm trước tiên là do công tác triển khai thủ tục đầu tư công của các chủ đầu tư kéo dài. Đối với công trình khởi công mới năm 2023, hầu hết đều đang ở bước triển khai thủ tục đầu tư và ưu tiên vốn để đền bù giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng thi công để giải ngân. Đối với các công trình chuyển tiếp, hầu hết các chủ đầu tư đang đôn đốc đơn vị thi công để có khối lượng và thực hiện trừ tạm ứng như: Dự án đường Nguyễn Văn Linh (TP. Pleiku) cuối năm 2022 ứng cho các đơn vị thi công khoảng 50 tỷ đồng; Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông năm 2022 ứng cho các đơn vị thi công gần 292 tỷ đồng nhưng vẫn không có mặt bằng thi công để hoàn ứng”.

Một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt thấp là do một số dự án, chương trình có tổng mức đầu tư lớn nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp. Cụ thể, đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch vốn năm 2023 là 739,5 tỷ đồng nhưng hiện mới giải ngân được 68,225 tỷ đồng, đạt 9,23%; các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 có kế hoạch vốn năm 2023 là 362 tỷ đồng, hiện mới giải ngân gần 10,7 tỷ đồng, đạt 2,9%; Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông có kế hoạch vốn năm 2023 là 200 tỷ đồng, hiện mới giải ngân 7,151 tỷ đồng, đạt 3,58%; Dự án đường liên huyện Mang Yang-Ia Pa, tỉnh lộ 669 và đường từ TP. Pleiku đi trung tâm huyện Đak Đoa có kế hoạch vốn năm 2023 là 170 tỷ đồng, hiện chưa có khối lượng giải ngân.

Bên cạnh đó, một số dự án có thời gian thẩm định, triển khai thủ tục kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân như: Dự án xây dựng 59 trạm y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh trình Sở Xây dựng lần 1 vào ngày 16-5-2023, lần 2 vào ngày 27-7-2023); Dự án đường liên huyện Mang Yang-Ia Pa, tỉnh lộ 669 và đường từ TP. Pleiku đi trung tâm huyện Đak Đoa (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh trình lần 1 ngày 29-5-2023, trình lần 2 ngày 26-6-2023, trình lần 3 ngày 20-7-2023).

Dự án đường giao thông kết nối thị trấn Chư Ty đến xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) hiện đang vướng nguồn vốn tiền sử dụng đất. Ảnh: H.D

Dự án đường giao thông kết nối thị trấn Chư Ty đến xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) hiện đang vướng nguồn vốn tiền sử dụng đất. Ảnh: H.D

Một số khó khăn khác liên quan đến cơ chế, chính sách cũng gây ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân như Dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị cho 7 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng triển khai xác định đơn giá đất chậm làm cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chậm phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng như Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông, đường Nguyễn Văn Linh… Quy trình thực hiện cấp giấy phép môi trường phải qua nhiều bước cũng gây mất thời gian như ở Dự án bố trí dân di cư tự do tập trung huyện Mang Yang.

Đặc biệt, việc hụt thu nguồn thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất năm 2022 và 2023 làm cho nhiều công trình sử dụng nguồn vốn này đã có khối lượng thực hiện nhưng không có nguồn vốn để thanh toán như: Dự án đường nối từ đường Lý Thường Kiệt đến đường vành đai phía Bắc thị xã An Khê; Dự án đường giao thông kết nối thị trấn Chư Ty đến xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ); Dự án xây dựng chốt chiến đấu dân quân thường trực các xã biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025…

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: “Không chỉ Đức Cơ mà hầu hết các địa phương đều vướng ở nguồn tiền sử dụng đất. Điển hình như Dự án đường giao thông kết nối thị trấn Chư Ty đến xã Ia Dơk, tổng vốn đầu tư là 59 tỷ đồng, phân bổ năm 2022 là 35 tỷ đồng, năm 2023 là 24 tỷ đồng. Vốn năm 2022 đã cấp đủ, còn đối với năm 2023 gồm 13 tỷ đồng tiền cân đối của tỉnh và 11 tỷ đồng là tiền từ nguồn sử dụng đất. Nguồn cân đối hiện đã có nhưng còn thiếu 11 tỷ đồng từ nguồn tiền sử dụng đất nữa, trong khi dự án đã hoàn thành hơn 70% khối lượng, chỉ còn thảm nhựa là hoàn thành. Các dự án khác sử dụng nguồn tiền sử dụng đất đều vướng các quy định theo Chỉ thị 14/CT-UBND của UBND tỉnh. Cụ thể, Chỉ thị số 14 quy định khu vực đất đấu giá của huyện phải đầy đủ hạ tầng về điện, đường, viễn thông… mới được đấu giá. Nhưng nếu không cho đấu giá đất trước thì không có tiền để hoàn thiện hạ tầng. Huyện đang đề nghị UBND tỉnh cho phép đấu giá đất trước rồi hoàn thiện hạ tầng sau”.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Trước thực tế này, nhiều giải pháp đã được UBND tỉnh đưa ra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tại hội nghị sơ kết công tác tháng 7 và triển khai nhiệm vụ tháng 8-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long chỉ đạo: “Từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều, cần tăng cường theo dõi, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia”.

Đường Lê Đại Hành, TP. Pleiku (đoạn từ đường Vạn Kiếp đến Ngã tư Biển Hồ) tăng 20 tỷ đồng từ vốn cân đối theo tiêu chí nguồn ngân sách địa phương. Ảnh: Hà Duy

Đường Lê Đại Hành, TP. Pleiku (đoạn từ đường Vạn Kiếp đến Ngã tư Biển Hồ) tăng 20 tỷ đồng từ vốn cân đối theo tiêu chí nguồn ngân sách địa phương. Ảnh: Hà Duy

Cùng với đó, các cơ quan thường trực của Tổ công tác kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh gồm Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT tích cực theo dõi tình hình triển khai các dự án do các đơn vị phụ trách, tham mưu Tổ trưởng tổ công tác và UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư. Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu đất san lấp, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì cùng với các huyện, thị xã, thành phố và các chủ dự án rà soát, kiểm tra và xử lý toàn bộ việc cấp giấy phép khai thác mỏ, bảo đảm cung cấp đủ vật liệu cho các dự án theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố sớm ban hành đơn giá đất cụ thể, làm cơ sở triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ các dự án; yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án.

“Riêng đối với những khó khăn liên quan đến nguồn tiền sử dụng đất, vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 245/NQ-HĐND điều chỉnh nguồn vốn bổ sung cho các dự án hụt thu tiền sử dụng đất nhưng có khả năng hoàn thành hoặc có khối lượng hoàn thành lớn với gần 103 tỷ đồng”-Phó Giám đốc Sở KH-ĐT thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm