Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai hỗ trợ nông dân áp dụng phương thức sản xuất an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO- Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và triển khai xây dựng nhiều mô hình thí điểm. Nhờ đó, nhiều nông dân đã biết áp dụng các phương thức sản xuất an toàn.

Giữa năm 2020, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn do Hội Nông dân huyện Đak Pơ tổ chức, ông Trần Văn Xin (thôn Tân Định, xã Tân An) áp dụng các kiến thức học được vào 3 sào rau của gia đình.

“Sau khi áp dụng, tôi thấy chi phí sản xuất rau an toàn không cao hơn so với sản xuất truyền thống, vì sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên đất ít bị bạc màu, đỡ tốn công cải tạo. Trong khi đó, rau an toàn hơn hẳn về chất lượng nên giá cao hơn. Vì vậy, tôi dự định sẽ chuyển sang trồng rau theo hướng VietGAP”-ông Xin nói.

Lớp đào tạo trồng rau an toàn của xã Tân An (huyện Đak Pơ) hướng dẫn hội viên cải tạo đất. Ảnh: Nhật Hào
Nông dân tham gia lớp đào tạo trồng rau an toàn của xã Tân An (huyện Đak Pơ) thực hành cải tạo đất. Ảnh: Nhật Hào

Ông Hồ Thanh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An-cho hay: Năm 2018, Hội Nông dân tỉnh triển khai Dự án trồng rau an toàn với 20 hộ tham gia. Tháng 6-2020, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn cho 30 hộ. Mới đây, huyện Đak Pơ cũng triển khai Dự án trồng măng tây hữu cơ cho 10 hộ dân với diện tích 5 sào.

Từ các lớp tập huấn đó, người dân đã ý thức được việc trồng rau an toàn để đảm bảo sức khỏe cũng như tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Chính vì vậy, hiện nay, phần lớn nông dân trong xã đang chuyển dần sang sử dụng phân hữu cơ, vi sinh để chăm sóc cây trồng.

Bên cạnh việc tập huấn, Hội Nông dân huyện Phú Thiện còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh mời các chuyên gia về giảng dạy và xây dựng thí điểm nhiều mô hình để hình thành ý thức sản xuất an toàn cho bà con nông dân. Từ đầu năm đến nay, Hội đã xây dựng 6 mô hình gồm: trồng lúa, ớt (xã Chư A Thai), rau ăn lá và quả (Hợp tác xã Rau an toàn thị trấn Phú Thiện), rau ngót (xã Ia Peng), cây điều (xã Ia Ake), cây ăn quả (xã Auyn Hạ). Đồng thời, huyện còn duy trì mô hình “Vườn rau thân thiện” với hơn 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.

“Khi mới triển khai các mô hình, nông dân chưa tin tưởng lắm. Tuy nhiên, được các chuyên gia “cầm tay chỉ việc”, bà con làm theo và thấy có hiệu quả. Tới đây, Hội sẽ tiếp tục vận động nông dân sử dụng các sản phẩm sinh học, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản xuất để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP cũng như thương hiệu nông sản của huyện Phú Thiện”-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Hội Nông dân huyện Phú Thiện mời các chuyên gia hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh trên cây trồng cho người dân xã Ia Peng. Ảnh: Nhật Hào
Hội Nông dân huyện Phú Thiện mời các chuyên gia hướng dẫn người dân xã Ia Peng về quy trình chăm sóc, phòng trị bệnh trên cây trồng. Ảnh: Nhật Hào

Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Thời gian tới, Hội sẽ mời các chuyên gia đầu ngành trực tiếp hướng dẫn người dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hướng tới áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ để cho sản phẩm an toàn.

Sau khi tham gia lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật do Hội Nông dân huyện tổ chức, chị Trần Thị Hồng Yến (làng Sô Ma Hang A, xã Ia Peng) không những tiếp tục duy trì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học mà còn ủ phân bón từ xác cá để bón cho 6 sào rau ngót của mình. Mỗi lần bón phân, chị còn bổ sung thêm phân bón lá, trứng gà và sữa tươi nên vườn rau phát triển tốt. Theo chị Yến, ủ phân bón từ xác cá sẽ giảm 20% chi phí, tuổi thọ vườn rau ngót kéo dài 8-10 năm.

“Sau khi áp dụng quy trình chăm sóc rau theo hướng an toàn, thương lái phản hồi về chất lượng lá rau dày hơn, nấu chín có màu xanh tự nhiên chứ không xanh đen như trước đây. Đặc biệt, thương lái đặt mua nhiều, giá cao hơn”-chị Yến phấn khởi.
 

 NHẬT HÀO
 

Có thể bạn quan tâm