Khoa học - Công nghệ

Gia Lai: Hội thảo “Tối ưu hiệu quả điều trị khô mắt từ lý thuyết đến thực hành”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 23-9, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Bệnh viện mắt Cao Nguyên tổ chức hội thảo khoa học với chuyên đề “Tối ưu hiệu quả điều trị khô mắt từ lý thuyết đến thực hành” với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành Nhãn khoa trong và ngoài tỉnh.

Hội thảo đã cập nhật, chia sẻ những kiến thức chuyên sâu trong tầm soát và điều trị khô mắt. Trong đó, các đại biểu đã được nghe bác sĩ CKI Lê Phú-nguyên Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) trình bày chuyên đề Cập nhật khuyến nghị trong chẩn đoán và điều trị khô mắt tại Việt Nam; thạc sĩ, bác sĩ Dương Nguyễn Việt Hương-Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh trình bày chuyên đề Ứng dụng lâm sàng trong quản lý khô mắt và thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Lành-Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Nguyên trình bày chuyên đề Thực tiễn chẩn đoán và điều trị khô mắt tại Bệnh viện Mắt Cao Nguyên.

Thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Lành- Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Nguyên phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Như Nguyện
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Lành- Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Nguyên phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Như Nguyện

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị khô mắt. Dịp này, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên chính thức cho ra mắt Đơn vị khám và điều trị chuyên sâu khô mắt đầu tiên tại Gia Lai và các tỉnh miền trung Tây Nguyên qua đó góp phần chăm sóc sức khỏe đôi mắt một cách tốt nhất cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh thành lân cận.

Được biết, khô mắt là bệnh lý rất phổ biến hiện nay. Yếu tố nguy cơ của khô mắt được chia thành nhóm không thể thay đổi như: Tuổi, giới, chủng tộc châu Á, loạn năng tuyến Meibomius ở mi mắt (MGD), bệnh lý hệ thống và hội chứng Sjogren (SS) và có thể thay đổi như: Thiếu androgen, sử dụng màn hình điện tử, đeo kính tiếp xúc, môi trường, dùng một số thuốc kháng histamine, chống trầm cảm, chống lo âu, isotretinoin, liệu pháp hormone và ghép tế bào gốc tạo máu. Một số yếu tố nguy cơ khác liên quan đến khô mắt cũng được nhắc đến như đái tháo đường, trứng cá đỏ, bệnh tuyến giáp, mộng thịt, sử dụng acid béo tỷ trọng thấp, phẫu thuật khúc xạ, viêm kết mạc dị ứng, sử dụng các thuốc kháng cholin, thuốc lợi tiểu, chẹn beta...

Khô mắt gây gánh nặng kinh tế và ảnh hưởng chức năng thị giác, chất lượng cuộc sống, năng suất lao động, gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người bệnh… Tuy nhiên, đến nay có rất ít nghiên cứu về vấn đề này.

Dịp này, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên chính thức cho ra mắt Đơn vị khám và điều trị chuyên sâu khô mắt đầu tiên tại Gia Lai và các tỉnh miền trung Tây Nguyên. Ảnh: Như Nguyện
Dịp này, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên chính thức cho ra mắt Đơn vị khám và điều trị chuyên sâu khô mắt đầu tiên tại Gia Lai và các tỉnh miền trung Tây Nguyên. Ảnh: Như Nguyện

Theo thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Lành-Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, để chẩn đoán về mức độ khô mắt và cách điều trị bệnh, trước hết cần dựa vào kết quả khám mắt toàn diện cùng với xác định một số chỉ số của màng phim nước mắt, từ đó mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị riêng biệt phù hợp nhất, tiết kiệm chi phí và đem lại kết quả tốt nhất sau điều trị.

Tại Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, ngoài những thế mạnh về phẫu thuật Phaco điều trị đục thủy tinh thể; phẫu thuật mộng thịt với phương pháp đặc biệt không tái phát; thông lệ đạo 1 lần duy nhất không cần phẫu thuật… thì đây cũng là bệnh viện đầu tiên tại Gia Lai và các tỉnh miền trung Tây Nguyên triển khai Đơn vị khám và điều trị chuyên sâu khô mắt với hệ thống máy chẩn đoán chuyên sâu, hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Có thể bạn quan tâm