Gia Lai: Hơn 200 học viên tập huấn nghiệp vụ văn thư, lưu trữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 200 học viên đã tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ năm 2020 do Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh (thuộc Sở Nội vụ Gia Lai) chủ trì, phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức trong 2 ngày 16 và 17-7.
Học viên tham gia lớp tập huấn là lãnh đạo cơ quan văn phòng (hoặc phòng hành chính tổng hợp) các sở, ban, ngành của tỉnh, doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn, cùng đội ngũ công chức, viên chức phụ trách công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan trên; lãnh đạo Văn phòng HĐND-UBND, Phòng Nội vụ, công chức quản lý công tác văn thư, lưu trữ của 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh…
 Các học viên tham dự tập huấn. Ảnh: Thanh Nhật
Các học viên tham dự tập huấn. Ảnh: Thanh Nhật

Tại lớp tập huấn, các báo cáo viên của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã phổ biến đến học viên những nội dung cơ bản trong Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5-3-2020 của Chính phủ về công tác văn thư; hướng dẫn lập hồ sơ điện tử trên môi trường mạng. Chi cục trưởng Chi cục Văn thư và Lưu trữ tỉnh Hồ Văn Trình triển khai Kế hoạch số 1362/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Lưu trữ tài liệu điện tử các cơ quan nhà nước giai đoạn 2020-2025” theo Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 3-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Lớp tập huấn cũng dành thời gian trao đổi, giải đáp cho học viên những vấn đề mới liên quan từ thực tế hoạt động nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ của các địa phương, cơ quan, đơn vị...

Phát biểu bế mạc lớp tập huấn, bà Vũ Thị Thanh Thủy-báo cáo viên của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP và một số văn bản quy định liên quan) nhằm tạo hành lang pháp lý đối với công tác văn thư nói chung và văn thư điện tử nói riêng trong tiến trình cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam và hội nhập quốc tế, đưa công tác văn thư, lưu trữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, giúp công tác quản lý nhà nước về công tác văn thư được tăng cường, tập trung, đảm bảo tính thống nhất trong chỉ đạo theo quy định của pháp luật.
Bà Vũ Thị Thanh Thủy cũng lưu ý các quy định chi tiết về công tác văn thư và quản lý nhà nước về công tác văn thư gồm soạn thảo, ký ban hành văn bản; quản lý văn bản; lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; quản lý và sử dụng con dấu, cũng như việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư; các chức năng cơ bản của hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm