Với việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà một trong những mục tiêu lớn là tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi, thời gian qua tỉnh Gia Lai đã "trải thảm đỏ" thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào địa bàn tỉnh. Theo đó, đã có 1 "làn sóng" đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào nuôi heo, bò thịt...
Các "ông lớn" đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào chăn nuôi tại Gia Lai
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030.
Theo danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, một số dự án tiêu biểu lĩnh vực trồng trọt bao gồm: Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đak Đoa quy mô 459,04ha, tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP Pleiku, quy mô 3 giai đoạn, diện tích 100ha với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng,...
Trang trại chăn nuôi heo thịt công nghệ cao Ia Pa của Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm được ứng dụng 100% công nghệ cao đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2019. Ảnh: Hà Duy |
Lĩnh vực chăn nuôi nổi bật với Dự án chăn nuôi bò thịt vỗ béo tại huyện Chư Prông, diện tích 200ha với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng. Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại huyện Chư Pưh, diện tích 100ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.030 tỷ đồng; Dự án Trang trại chăn nuôi heo tại huyện Ia Pa có diện tích 183 ha với tổng vốn 800 tỷ đồng...
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, sau những kỳ xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ để đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi còn quá nhiều dư địa này.
Trong đó, năm 2021, toàn tỉnh Gia Lai đã có 106 dự án chăn nuôi đang được nhà đầu tư quan tâm, với tổng vốn đăng ký gần 16.000 tỷ đồng, quy mô gần 5.300ha.
Đơn cử, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã đề xuất với UBND tỉnh được đầu tư xây dựng "Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai", dự kiến tại huyện Chư Pưh. Dự án sẽ có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, gồm: khu trang trại chăn nuôi 2.500 con heo giống; khu nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân hữu cơ...
Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết: "Chúng tôi đã khảo sát nhiều nơi và khẳng định Gia Lai có diện tích đồng cỏ rộng lớn, khí hậu ôn hòa, rất phù hợp phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Với Dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần đưa Gia Lai trở thành thủ phủ chăn nuôi của khu vực Tây Nguyên".
Trước đó, trang trại chăn nuôi heo thịt công nghệ cao Ia Pa của Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) rộng 18 ha có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng đã đi vào hoạt động vào tháng 3/2019. Mỗi năm, trang trại của Navifarm cung cấp cho thị trường khoảng 20.000 con heo thịt.
Đại diện công ty này cho biết, từ sự thành công của dự án tại Ia Pa, doanh nghiệp sẽ triển khai đầu tư thêm 2 dự án chăn nuôi nữa tại xã Chơ Long, huyện Kông Chro.
Trong đó, 1 dự án có quy mô 2.400 con heo nái với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng và 1 dự án quy mô 5.000 con heo nái, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng.
Chia sẻ về việc chọn Gia Lai làm nơi đầu tư chăn nuôi, bà Lê Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm cho biết: Chúng tôi phấn khởi nhất chính là sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền các cấp trong triển khai dự án. Gia Lai cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi, nhưng chưa được khai thác hết.
Cùng với các dự án trên, Gia Lai còn thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi. Đơn cử như Dự án trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, diện tích 195ha tại huyện Đắk Đoa. Được biết, dự án này có tổng vốn đầu tư 1.288 tỷ đồng, cung ứng thị trường khoảng 30.000 con heo nái mỗi năm.
Trang trại nuôi bò công nghệ cao của HAGL Agrico. Ảnh minh hoạ: I.T |
Chăn nuôi hiện đại, chú trọng liên kết, đảm bảo an toàn dịch bệnh
Chỉ tính riêng huyện Ia Pa, hiện đã có 7 trang trại chăn nuôi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng diện tích 102,66 ha. Ngoài ra, còn có 11 doanh nghiệp khác đang lập dự án xin đầu tư phát triển chăn nuôi heo công nghệ cao với diện tích hơn 660 ha.
Đại diện UBND huyện Ia Pa cho biết: Từ khả năng đáp ứng về đất đai, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo môi trường, UBND huyện đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy cho chủ trương khoanh những vùng đất rộng, xa khu dân cư, xa nguồn nước, ít có khả năng ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân để phát triển trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao. Qua khảo sát cho thấy, các trang trại hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Theo ông Dương Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Gia Lai, ngành chăn nuôi của tỉnh đang dần dịch chuyển sang chăn nuôi tập trung có đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, chăn nuôi theo chuỗi và chăn nuôi theo liên kết.
Chăn nuôi theo chuỗi có ưu điểm là chủ động được từ con giống, thức ăn, công nghệ gắn với đầu ra... Còn chăn nuôi liên kết chủ yếu theo hướng người nông dân góp đất, chuồng trại, bỏ công chăm sóc, còn doanh nghiệp đầu tư giống, thức ăn, kỹ thuật, lợi nhuận được chia theo thỏa thuận.
Chăn nuôi theo hai hướng này có ưu điểm là kiểm soát được con giống, chăn nuôi trong một khuôn viên khép kín, xa khu dân cư, có kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn sinh học cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường...
Đến nay, Gia Lai đã thu hút được 178 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, với tổng diện tích trên 5.250ha; tổng vốn đầu tư gần 24.000 tỷ đồng. Năm 2021, chăn nuôi đã mang về cho tỉnh Gia Lai hơn 5.000 tỷ đồng. Gia Lai đã phê duyệt Kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu vào nhóm những tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển trong khu vực Tây Nguyên và cả nước. Đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi sẽ đạt khoảng 9.821 tỷ đồng. |
Theo Thiên Hương (Dân Việt)