Xã hội

Lao động - Việc làm

Gia Lai liên kết dạy nghề và tạo việc làm cho lao động dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Hàng năm, toàn tỉnh Gia Lai có hơn 25.000 người đến tuổi lao động, trong đó, lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 70%.

Để phát huy nguồn nhân lực này, Trường Cao đẳng Gia Lai vừa tổ chức hội thảo tìm giải pháp về xây dựng mô hình kết nối giữa doanh nghiệp, địa phương trong đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động DTTS.

Tại hội thảo, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm, nhu cầu nguồn nhân lực, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động DTTS. Theo Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai, một trong những biện pháp quan trọng để tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, địa phương là việc thiết lập các chương trình hợp tác giữa các bên.

Các chương trình này có thể bao gồm việc đưa vào giảng dạy những kỹ năng thực hành, đào tạo kỹ năng ở những nghề ứng dụng công nghệ mới, đồng thời tạo cơ hội thực tập, tìm kiếm việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Điều này giúp lao động DTTS có được các kỹ năng cần thiết để thích ứng với nhu cầu thị trường lao động đang thay đổi ngay sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.

Sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai thực hành sửa chữa động cơ ô tô. Ảnh: Đ.T

Sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai thực hành sửa chữa động cơ ô tô. Ảnh: Đ.T

Ngoài ra, việc thiết lập các chương trình đào tạo linh hoạt và điều chỉnh dựa trên nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp giúp cơ sở đào tạo nắm được thông tin từ doanh nghiệp về nhu cầu việc làm, quy trình sản xuất đang áp dụng. Từ đó, nhà trường sẽ điều chỉnh mục tiêu, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra cho sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Bà Hoàng Thị Phúc-Phụ trách nhân sự Công ty May Gia Lai-chia sẻ: “Hàng năm, Công ty tuyển dụng 200-300 lao động, trong đó ưu tiên lao động DTTS. Tuy nhiên, lao động DTTS chưa đề cao tính kỷ luật trong công việc. Vì vậy, doanh nghiệp có thể đặt hàng cho nhà trường, cùng với nhà trường nghiên cứu điều chỉnh chương trình đào tạo nghề, chú trọng kỹ năng, tác phong, tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc của người lao động.

Về phía người học, khi đào tạo theo đơn đặt hàng thì được tiếp cận sớm với môi trường làm việc, đội ngũ kỹ sư, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; qua đó, giúp người học, nhất là lao động DTTS nhanh chóng hình thành những kỹ năng cần thiết, phù hợp với vị trí việc làm. Nhờ vậy, chất lượng và hiệu quả của hệ thống đào tạo được nâng cao, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề.

Ngoài ra, sự kết nối giữa cơ sở đào tạo nghề với các sở, ngành, địa phương cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, chính quyền địa phương có thể hỗ trợ về tài chính và chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động DTTS.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa-cho biết: “Từ năm 2021 đến 2023, huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức 37 buổi tư vấn, hướng nghiệp đào tạo nghề cho 2.950 thanh niên và học sinh lớp 9 trên địa bàn; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề để đào tạo nghề cho 2.026 lao động theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua việc phối hợp đào tạo, người lao động còn được cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng, các kỹ năng cụ thể cần thiết để tìm được việc làm phù hợp với bản thân”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-nêu giải pháp: Việc liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo và địa phương trong đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động DTTS là rất cần thiết. Qua đó, các doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin chi tiết về nhu cầu tuyển dụng; đồng thời, tạo hiệu ứng tích cực về thị trường lao động và cập nhật chương trình đào tạo để đáp ứng các yêu cầu mới.

Còn ông Trường Trung Tuyến-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cũng cho rằng, chỉ thông qua sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan thì chúng ta mới có thể xây dựng được một bộ chuẩn cho chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho lao động DTTS.

Phát biểu tại hội thảo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai khẳng định: Chúng tôi mong muốn vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp, nhà trường và chính quyền địa phương trong đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động DTTS được tỉnh đưa vào chỉ tiêu nghị quyết thực hiện hàng năm. Đây không chỉ là giải pháp để tạo ra cơ hội việc làm cho lao động DTTS mà còn là một cách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm